Phát triển mạnh hệ thống điện mặt trời áp mái

Lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà tại một hộ dân Ảnh: Tiên Minh - TTXVN
Lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà tại một hộ dân Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 730 khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm 2019 với tổng công suất lắp đặt hơn 8.181kWp. Sản lượng phát lên lưới từ hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà gần 3,5 triệu kWh và sản lượng điện dư ra của khách hàng bán lại cho ngành điện lực hơn 3,5 tỷ đồng.

Phát triển mạnh hệ thống điện mặt trời áp mái ảnh 1Lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà tại một hộ dân Ảnh: Tiên Minh - TTXVN

Tại Cụm Công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò, có Tập đoàn Sao Mai đã xây dựng được Nhà máy năng lượng mặt trời Sao Mai 1 với công suất 1,06 MW. Nhà máy đưa vào hoạt động góp phần làm giảm chi phí 20% điện năng tiêu thụ mà Công ty IDI – thành viên của Tập đoàn Sao Mai phải trả mỗi năm.

Ở thành phố Sa Đéc, ông Nguyễn Văn Nương có Cơ sở sản xuất bột ở Phường 2, đầu tư 154 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, gia đình ông tiết kiệm hơn 1 triệu đồng mỗi tháng so với trước đây ,sau khi sử dụng còn dư điện ông bán lại cho điện lực.

Tại thành phố Cao Lãnh có ông Nguyễn Văn Thanh ở phường Mỹ Phú, vừa lắp đặt xong hệ thống điện mặt trời chưa đầy 1 năm, ông cho biết, đã tiến hành lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 12kWp, chi phí đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Đến nay, hệ thống vận hành an toàn, hiệu quả. Hiện nay, dù cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao nhưng gia đình ông Thanh vẫn có nguồn điện để bán lại cho ngành điện. Sau khi trừ các chi phí mỗi tháng, ông dư khoảng 3 triệu đồng từ bán lại điện cho ngành điện lực.
Ông Đào Hữu Điền, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Tháp cho biết, lợi ích của điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng khác như sử dụng như: than đá , dầu mỏ… giúp tiết kiệm chi phí tiền điện do không phải sử dụng nguồn điện lưới, ngoài ra còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành điện. Điện mặt trời còn giúp chi phí vận hành và bảo trì thấp; thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn và khói bụi trong quá trình vận hành.

Ông Điền cho biết thêm, số giờ nắng ở tỉnh Đồng Tháp đạt từ 2.200-2.500 giờ/năm. Việc khai thác nguồn điện năng lượng mặt trời rất thích hợp và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà hiện đang là lựa chọn của nhiều hộ gia đình tại tỉnh Đồng Tháp.

Hiện nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đang khuyến khích phát triển điện mặt trời trong tỉnh, việc đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho người lắp đặt, ngành điện, xã hội và cả cộng đồng. Công ty Điện lực Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái giúp giảm chi phí tiền điện, tự chủ nguồn điện sử dụng và góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm