Bài 2 (Bài cuối): Khơi thông điểm nghẽn
Để tạo bứt phá trong việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần nhận diện đúng những điểm nghẽn đang gặp phải và đưa ra những giải pháp phù hợp để giải quyết những điểm nghẽn này; trong đó, những giải pháp lãnh đạo các địa phương phải đặc biệt chú ý là đầu tư hạ tầng thiết yếu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và giảm nghèo bền vững.
Đầu tư hạ tầng thiết yếu
Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đạt được điều này, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn, chợ phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các địa phương đã đầu từ giai đoạn trước, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số giao thương thuận lợi, phát triển kinh tế.
Cùng đó, tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Dân tộc xem xét, đề xuất chuyển nguồn vốn phân bổ cho Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất sang nguồn vốn sự nghiệp. Riêng nguồn vốn đã phân bổ cho Dự án 1, kiến nghị xem xét chuyển nguồn bổ sung cho Dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng kiến nghị Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét đối với các xã khu vực III được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được đầu tư 1 năm tiếp theo, tạo điều kiện hỗ trợ cho các xã nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện một số công trình cơ sở hạ tầng…
Năm 2023, tỉnh Trà Vinh bố trí tổng nguồn vốn gần 626 tỷ đồng để thực hiện các dự án nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, chủ yếu là dân tộc Khmer. Tỉnh xây dựng mới gần 60 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng khoảng 40 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2021 – 2025, An Giang đầu tư gần 600 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, tỉnh bố trí trên 100 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng gần 60 công trình, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Tại Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần XXVI do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Sóc Trăng vừa qua, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, thể mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nông nghiệp và thuỷ sản. Do đó, để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc, các Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các dự án, mô hình sản xuất nhằm phát huy tối đa các lĩnh vực là thế mạnh của các địa phương. Việc xây dựng dự án, mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ phải chủ động từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến ra sản phẩm cuối cùng và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất.
Ông Trần Thế Duy nhấn mạnh, trong lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, ngành khoa học và công nghệ Đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng không chủ động được nguồn nước và thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (gồm thủy sản – cây ăn quả – lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên thực tế, tại Trà Vinh, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tập trung triển khai nguồn vốn khoảng 368 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất mới theo hướng tiên tiến, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm và đảm bảo tính bền vững.
Các mô hình chuyển đổi sản xuất đều khuyến khích nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, như: sử dụng phân bón thông minh (Nano); hệ thống quan trắc – điện toán đám mây; hệ thống tưới tự động, bẫy côn trùng thông minh và dự báo sâu bệnh; sử dụng cây giống sạch bệnh, nuôi cấy mô, cây phôi; sử dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang triển khai hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025, với nguồn kinh phí 150 – 200 tỷ đồng. Sở sẽ thực hiện khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu và các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học – công nghệ.
Đối với sản xuất lúa, Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn (Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long) khẳng định ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay là điều cực kỳ quan trọng.Đơn vị đã chọn tạo ra trên 160 giống lúa mới, hơn 20 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới; ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, ủy quyền sản xuất kinh doanh khoảng 30 giống lúa cho các doanh nghiệp và chuyển giao quyền sử dụng chung giống lúa OM cho gần 60 đơn vị là doanh nghiệp, trung tâm giống các tỉnh trong khu vực nhằm thúc đẩy việc mở rộng diện tích sản xuất lúa. Đến nay, diện tích gieo trồng các giống do Viện chọn tạo chiếm 60 – 70% tại đồng bằng sông Cửu Long. Một số giống nổi bật như OM18, OM5451, OM380, OM4900, OM7347, OM6976…
Đặc biệt, riêng với con tôm, Tiến sĩ Lê Anh Xuân – Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Sinh học Trúc Anh (Bạc Liêu) nhận định việc nghiên cứu, cải tiến và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất cao, giảm rủi ro, giảm chi phí đầu vào và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay được cho là bài toán hữu ích. Đơn vị đã nghiên cứu và hoàn thiện một số quy trình nuôi hiệu quả đã và đang được chuyển giao đồng hành cùng với nông dân trong vùng và toàn quốc như: Quy trình nuôi tôm Quảng canh cải tiến áp dụng trong mô hình Tôm – Lúa đạt năng suất 500 – 700 kg/ha/năm, Quy trình nuôi tôm sú bằng các chế phẩm sinh học của công ty Trúc Anh; Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn đạt năng suất 30 – 50 tấn/ha/năm… đạt hiệu quả cao và bền vững.
Giảm nghèo bền vững
Năm 2023, Trà Vinh phấn giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và đưa 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang giải ngân nguồn vốn trên 80 tỷ đồng để phân bổ cho các địa phương. Cùng đó, các địa phương tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm theo chỉ tiêu giao, trong đó, rà soát, xác định kỹ nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng gia đình để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Trà Vinh còn huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các chính sách khác để hỗ trợ người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống như: Giải ngân các gói vay ưu đãi cho các hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải ngân thực hiện các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho hộ nghèo; sử dụng Quỹ an sinh xã hội hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Hiện nay, tổng hộ nghèo Khmer tại Sóc Trăng còn trên 7.100 hộ, hộ nghèo người Hoa còn 345 hộ. Tỉnh phấn đấu giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 3 – 4%. Giai đoạn 2021 – 2023, địa phương được phân bổ nguồn vốn hơn 126 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Tỉnh cũng bố trí vốn đối ứng hơn 12 tỷ đồng và huy động các nguồn lực khác từ người dân. Ngoài ra, Sóc Trăng tập trung xây dựng các dự án phát triển kinh tế giai đoạn 2023 – 2025 có sử dụng ngân sách địa phương đối ứng để thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung hoạt động thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với việc giảm nghèo thông qua du lịch đối với hộ dân tộc thiểu số tỉnh An Giang, bà Lê Thị Tú Quyên (Đại học Cần Thơ) cho rằng hoạt động du lịch góp phần tác động giảm nghèo trên các phương diện kinh tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội và sinh kế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của hộ dân tộc thiểu số.
Để nâng cao công tác giảm nghèo dựa vào du lịch, An Giang phải giải quyết được việc làm cho lao động tại địa phương, từ đó giúp họ ổn định cuộc sống, tạo ra nguồn thu nhập, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Đổi mới công tác đào tạo nghề, không chỉ số lượng mà còn chất lượng. Nâng cao năng lực sản xuất cho lao động người dân tộc thiểu số, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Khuyến khích các dự án khởi nghiệp, xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với lợi thế của địa phương. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động dân tộc thiểu số tìm kiếm việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch.
Cũng theo bà Lê Thị Tú Quyên, An Giang cần có chính sách đãi ngộ và hỗ trợ thuế cho danh nghiệp khi đến đầu tư và phát triển du lịch ở vùng dân tộc thiểu số vì khi danh nghiệp đến đầu tư sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho hộ dân tộc thiểu số, đồng thời mở rộng thị trường, giúp hộ dân tộc thiểu số tiếp cận thị trường và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho vùng dân tộc thiểu số khi có nhiều du khách đến và biết về địa phương… (Hết)
Nhật Bình