Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ: Hợp tác kinh tế cửa khẩu gắn với hành lang kinh tế Đông-Tây

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ: Hợp tác kinh tế cửa khẩu gắn với hành lang kinh tế Đông-Tây

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định đẩy mạnh hợp tác kinh tế qua các cửa khẩu trong vùng gắn với Hành lang kinh tế Đông-Tây; nghiên cứu thí điểm mô hình khu kinh tế cửa khẩu qua biên giới trên Hành lang kinh tế Đông-Tây; tiếp tục đầu tư, phát triển các hành lang kinh tế Đông-Tây như Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Mỹ Thủy - La Lay, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.

Phát triển kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ: Hợp tác kinh tế cửa khẩu gắn với hành lang kinh tế Đông-Tây ảnh 1Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông được khởi công từ tháng 9/2019 với tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN    

Tăng kết nối thương mại xuyên biên giới

Để hiện thực hóa Nghị quyết 26-NQ/TW, tỉnh Quảng Trị tập trung phát huy ưu thế là điểm đầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), tức Quốc lộ 9. Qua đó xây dựng Quảng Trị thành trung tâm logictics của vùng, kết nối giao thương hàng hóa toàn vùng ra khu vực, thế giới và ngược lại thông qua Quốc lộ 9 và Quốc lộ 15D nối cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đến Cửa khẩu quốc tế La Lay, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ngoài ra, hành lang EWEC còn có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, tạo mối liên kết phát triển với các tỉnh, thành khu vực miền Trung của Việt Nam và các nước trên hành lang EWEC.

Hành lang EWEC đi qua 13 tỉnh, thành của 4 nước gồm Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và là một trong 5 hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được thành lập tháng 10/1998. Ở Việt Nam, EWEC đi qua 3 tỉnh, thành gồm Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng; trong đó, Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến EWEC về phía Việt Nam.

Từ năm 1998, tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham gia GMS và chương trình hợp tác phát triển hành lang EWEC. Trên hành lang EWEC đoạn qua tỉnh Quảng Trị có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đạt trên 542 triệu USD, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh trên 181.830 lượt, hành khách xuất nhập cảnh hơn 438.400 lượt. Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo được thành lập từ năm 1998 với tổng diện tích hơn 5.800ha; đến tháng 3/2023 đã thu hút được 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 7.7000 tỷ đồng.

Ngoài ra EWEC còn kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang và các khu dịch vụ du lịch ven biển của Quảng Trị. Hành lang EWEC được chú trọng đầu tư để kết nối vận tải, giao thương và vùng; qua đó đã tạo nên chuỗi đô thị dọc theo hành lang này và vùng phụ cận như: Lao Bảo và Khe Sanh (huyện Hướng Hóa), Krông Klang (huyện Đakrông), Cam Lộ (huyện Cam Lộ), Cửa Việt (huyện Gio Linh) và thành phố Đông Hà.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savannakhet (Lào) đang triển khai xây dựng Đề án Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan. Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới này nằm ở khu vực cặp Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavan. Cặp cửa khẩu quốc tế này đã có 2 khu kinh tế gồm: Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (Việt Nam) và Khu thương mại biên giới Densavan (Lào) đối xứng nhau.

Dự kiến hai bên cùng xây dựng một khu kinh tế thương mại xuyên biên giới đối xứng về quy mô trên lãnh thổ hai nước Việt Nam-Lào, có sự kết nối về hạ tầng và chính sách nhưng mỗi bên tự chịu trách nhiệm xây dựng và quản lý khu hợp tác xuyên biên giới trên phạm vi lãnh thổ của mình.

Trong quá trình hoạt động, Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan sẽ tiến hành xây dựng "hàng rào cứng" đảm bảo cách ly hoạt động bên trong và bên ngoài tại một số khu vực như: Khu phi thuế quan, khu vực kho bãi hàng hóa chờ kiểm hóa, cảng cạn, khu công nghiệp; thực hiện một số chính sách ưu đãi chung, thống nhất về thuế, thủ tục hải quan, thu hút đầu tư.

Cũng trên hành lang EWEC hạ tầng logistics đã và đang được quan tâm đầu tư với cảng biển Cửa Việt có năng lực thông quan trên 1,1 triệu tấn/năm. Tuyến EWEC cũng đã kết nối với nhiều tuyến đường bộ huyết mạch của Việt Nam theo trục Bắc-Nam gồm: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, cao tốc đường bộ Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển, đồng thời kết nối với đường sắt Bắc – Nam. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi giúp Quảng Trị tiếp cận dễ dàng hơn với các trung tâm kinh tế của vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung bộ.

Để giảm tải cho tuyến EWEC (Quốc lộ 9) và tăng kết nối vùng, tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo theo phương thức đối tác công tư (PPP). Dự án cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo dài 70 km chạy song song với Quốc lộ 9, quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m với tổng vốn đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến giao thông mới kết nối Đông-Tây

Ngoài hành lang EWEC, tỉnh Quảng Trị đang đẩy nhanh đầu tư thêm hàng lang kinh tế theo trục Đông-Tây khác thông qua Đề án: Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam)-Salavan (Lào)-Ubon Ratchathani (Thái Lan) (PARA-EWEC). Đây là tuyến hành lang giao thông mới rất thuận lợi kết nối từ khu vực phía Nam của nước bạn Lào với vùng biển của Việt Nam có chiều dài hơn 420km. PARA-EWEC cũng là hành lang kết nối Đông-Tây ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các nước: Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam rồi ra cảng biển nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị).

Hành lang PARA-EWEC ở phía tỉnh Quảng Trị là Quốc lộ 15D kết nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay. Quốc lộ 15D đang cần được đầu tư xây dựng và nâng cấp các đoạn tuyến có tổng chiều dài 78km gồm: Quốc lộ 1A đến cao tốc đường bộ Cam Lộ-La Sơn khoảng 8 km; cao tốc Cam Lộ-La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 34 km; đoạn tuyến đi trùng với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài khoảng 24 km; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài 12km.

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất dự án nâng cấp, cải tạo một số đoạn tuyến Quốc lộ 15D kết nối với Lào sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Để sớm hoàn thành Quốc lộ 15D, tỉnh Quảng Trị cũng đang triển khai đầu tư một số đoạn tuyến theo hình thức đối tác công tư (PPP). Ngoài ra tỉnh cũng đầu tư trên 100 tỷ đồng thực hiện Dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật tại trung tâm Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến, UBND tỉnh Quảng Trị đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm đơn vị đầu mối triển khai dự án Quốc lộ 15D theo hình thức đối tác công tư (PPP), từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc dự án. Các sở, ngành phối hợp làm việc với các nhà đầu tư có văn bản quan tâm đề xuất khảo sát nghiên cứu xây dựng Quốc lộ 15D, tham mưu trình UBND tỉnh Quảng Trị xem xét giao đơn vị chuẩn bị dự án và đoạn tuyến đầu tư PPP theo hướng thuận lợi nhất.

Những năm gần đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn là một trong những doanh nghiệp vận tải nhiều hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế La Lay. Do đó doanh nghiệp này đã đề xuất với tỉnh Quảng Trị, được tham gia đầu tư một số đoạn tuyến Quốc lộ 15D và hệ thống cầu cảng Mỹ Thủy để thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa.

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn cho biết, Quốc lộ 15D là tuyến đường ngắn nhất, thuận lợi và hiệu quả nhất để vận chuyển hàng hóa từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy. Từ cảng biển này hàng hóa được vận chuyển đi khắp Việt Nam và thế giới bằng đường biển.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hai hành lang EWEC và PARA-EWEC gắn với phát triển kinh tế biển, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm quy hoạch hợp lý hệ thống cảng biển. Đề án: Khu Kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavan đã được Chính phủ hai nước thống nhất chủ trương, nên tỉnh cần sớm được hỗ trợ để hoàn thiện đề án này. Đồng thời, có chủ trương cho phép tỉnh Quảng Trị và tỉnh Salavan (Lào) phối hợp xây dựng Đề án: Hợp tác triển khai Hành lang kinh tế PARA-EWEC và xây dựng Khu kinh tế La Lay ở khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện tuyến Quốc lộ 15D nối cảng biển Mỹ Thủy với Cửa khẩu quốc tế La Lay, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo; kêu gọi đầu tư đối các dự án logistics, bố trí vốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm