Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch đầu tư, nâng cấp xây dựng quốc lộ, đường tỉnh huyết mạch có nhu cầu vận tải lớn, nhất là các trục dọc, trục ngang nối các tỉnh trong vùng và nối vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như nối đến cửa khẩu quan trọng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Kon Tum. Ảnh: TTXVN |
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp 860 km với tổng mức đầu tư 18.382 tỷ đồng của các đoạn tuyến còn lại trên các Quốc lộ 14C, 19, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 40B, 55 và 3,5 km đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Buôn Ma Thuột.
Cơ quan này triển khai đầu tư cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Trước mắt, phân kỳ đầu tư và triển khai trước đoạn Dầu Giây – Tân Phú và Bảo Lộc – Liên Khương. Đầu tư, sửa chữa các cảng hàng không, sân bay để đảm bảo khai thác đồng bộ các kết cấu hạ tầng hàng không trong khu vực Tây Nguyên, với tổng vốn đầu tư 3.093 tỷ đồng; trong đó, có hai dự án trọng điểm là sửa chữa mặt đường hạ, cất cánh, đường lăn, sân đỗ Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Cảng Hàng không Liên Khương (Lâm Đồng)…
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các tỉnh trong vùng nghiên cứu, huy động nguồn vốn để từng bước xây dựng tuyến đường sắt trên khu vực Tây Nguyên phục vụ khai thác, sản xuất Alumin- nhôm và kết nối Tây Nguyên với cảng biển…
Đối với các địa phương trong vùng Tây Nguyên tiếp tục đầu tư trên 49.500 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng tuyến đường tỉnh, huyện, đường đến trung tâm xã…Đồng thời, triển khai xây dựng 360 cầu trong đề án xây dựng cầu dân sinh nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, sinh hoạt đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2010 – 2015, Nhà nước đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên với tổng số vốn trên 60.682 tỷ đồng. Nhiều công trình giao thông trọng yếu được hoàn thành, góp phần thay đổi bộ mặt vùng Tây Nguyên như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Quốc lộ 19, 20, 28…, các cảng Hàng không Buôn Ma Thuột, Liên Khương…/.