Cùng với cả nước, du lịch tỉnh Bạc Liêu là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhưng trong những ngày đầu năm 2022, ngay khi các địa phương bắt đầu khởi động một cuộc sống bình thường mới, vùng đất chín rồng đã đón hàng chục nghìn du khách đến tham quan, nghĩ dưỡng. Điều này hứa hẹn một tương lai tươi sáng của ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu trong mục tiêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều địa danh hấp dẫn du khách
Dù chưa trở lại sôi động như đã từng có, nhưng các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu những ngày Tết Nhâm Dần đã thu hút khá đông du khách đến tham quan. Có thể kể đến như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu du lịch Vườn nhãn và điện gió Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và Bảo tàng nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Khu du lịch Quán âm Phật đài; Khu nhà thờ Tắc Sậy; chùa Hưng Thiện... Theo ước tính của ngành chức năng, lượng khách đến các khu, điểm du lịch trong tỉnh dịp này lên tới gần 30 nghìn lượt, trong đó có gần 10 nghìn lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Đây là tín hiệu vui với Bạc Liêu trong những ngày đầu "mở cửa" du lịch trong trong trạng thái bình thường mới.
So với một số tỉnh, thành phố của Đồng bằng sông Cửu Long, du lịch Bạc Liêu có nhiều lợi thế. Một trong số đó là du khách không mất quá nhiều thời gian cho di chuyển, bởi khoảng cách giữa các điểm du lịch tương đối gần.
Thành phố Bạc Liêu, dù có rất nhiều điểm tham quan nhưng du khách cũng chỉ mất thời gian di chuyển vài chục km. Nằm ngay trung tâm thành phố là khu nhà Công tử Bạc Liêu, nơi du khách có thể tận mắt thấy nơi ăn, chốn ở, nghe kể những giai thoại thú vị về vị công tử nổi tiếng này. Cách khu nhà Công tử Bạc Liêu ít phút đi bộ là đồng hồ đá duy nhất ở Việt Nam, có tên gọi là "đồng hồ Thái Dương", "đồng hồ mặt trời", được nhà bác vật Lưu Văn Lang tự tay tạo ra từ đầu thế kỷ XX.
Từ khu nhà Công tử Bạc Liêu cũng chỉ mất vài phút di chuyền bằng ô tô là đến Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, điểm du lịch mà du khách thường ghé thăm mỗi khi tới vùng đất tươi đẹp này. Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức di sản văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử Nam Bộ, nhất là bài Dạ cổ hoài lang nổi tiếng.
Từ Khu lưu niệm Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đi về phía biển trong phạm vi 10 km là các điểm du lịch nổi tiếng như: Vườn chim Bạc Liêu, Quán âm Phật đài, những cánh đồng điện gió, chùa Xiêm Cán, vườn nhãn cổ…
Bên cạnh các điểm du lịch, Bạc Liêu còn được đánh giá cao về ẩm thực. Do đặc trưng có sự giao thoa của 3 nền văn hóa Kinh-Hoa-Khmer nên ẩm thực ở đây có sự pha trộn độc đáo, hấp dẫn thực khách. Nhiều món ăn nổi tiếng đã trở thành thương hiệu ẩm thực Bạc Liêu, mà du khách dù chưa một lần đến đây cũng có thể kể vanh vách như bánh tằm Ngan Dừa, bún bò cay, bún nước lèo, lẩu mắm, bánh xèo Bạc Liêu…
Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, với tiềm năng, lợi thế đó, nếu khai thác hiệu quả, Bạc Liêu sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bạc Liêu có 9 trong số hơn 20 điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Riêng thành phố Bạc Liêu đã có 8 điểm là: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu du lịch sinh thái Hồ Nam, Quảng trường Hùng Vương, khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo - khu du lịch Nhà Mát, Quán âm Phật đài, khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu, Nhà máy Điện gió Bạc Liêu.
Từ lợi thế về tự nhiên cùng tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, thành phố Bạc Liêu tập trung thực hiện nhiều giải pháp với quyết tâm giúp thành phố là điểm đến hấp dẫn và du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch Bạc Liêu chủ yếu khai thác 2 loại hình: Du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Du lịch văn hóa có thể coi là thế mạnh của Bạc Liêu so với các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bởi tỉnh có những tài nguyên nhân văn độc đáo, trong đó nổi bật là giá trị văn hóa, lịch sử từ bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được sáng tác năm 1919, đến nay đã trở thành bản vọng cổ "có một không hai", là "bài ca vua" trong nghệ thuật sân khấu cải lương. Tác phẩm này là sự kết tinh của những giá trị nhân văn, nghệ thuật và lịch sử.
Bạc Liêu còn là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại). Có thể nói, dưới góc độ du lịch, những giá trị về văn hóa gắn liền với bản Dạ cổ hoài lang và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là những tiềm năng có giá trị để khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù cho Bạc Liêu.
Khi du lịch trở thành mũi nhọn
Tỉnh Bạc Liêu xác định, điểm tựa để du lịch tăng tốc, phát triển chính là Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch. Cùng với việc ban hành chủ trương, chính sách chắp cánh cho ngành du lịch phát triển, tỉnh đã nỗ lực quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, nét đẹp văn hóa, tự nhiên đến du khách. Thời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trong tỉnh đã có sự thay đổi mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận về phát triển du lịch, xem du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Đặc biệt, sau thời gian dài bị "đóng băng" do ảnh hưởng của dịch bệnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch số 167/KH-UBND về việc phục hồi hoạt động du lịch do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh phấn đấu trong năm 2022, tổng thu từ du lịch - dịch vụ đạt gần 3.000 tỷ đồng (doanh thu nhà hàng - khách sạn đạt trên 1.100 tỷ đồng); lượng khách du lịch đạt gần 3,3 triệu lượt, trong đó có gần 1,6 triệu lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phục hồi hoạt động du lịch. Theo đó, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy nhanh phục hồi hoạt động; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch, nhằm tạo môi trường du lịch thân thiện, an toàn cho du khách, đáp ứng yêu cầu mở cửa và phục hồi ngành du lịch. Tỉnh tăng cường hoạt động truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Bạc Liêu an toàn hấp dẫn"; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm kích cầu du lịch nội địa tại các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại; lồng ghép hoạt động xúc tiến du lịch trong quá trình tham mưu tổ chức các đoàn xúc tiến, sự kiện đầu tư trong, ngoài nước. Tỉnh hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới đáp ứng xu hướng của thị trường, sản phẩm dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương, đặc biệt phát triển 2 tuyến du lịch "Những nẻo đường phù sa" và "Non nước hữu tình". Cùng với đó là tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực nhằm tái cấu trúc, nâng cao chất lượng lao động trong ngành du lịch. Các cơ sở đào tạo tăng cường hợp tác, liên kết mở các khóa đào tạo chuyên ngành du lịch.
Từ một địa phương chưa có tên trên bản đồ du lịch quốc gia, những năm gần đây, du lịch Bạc Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục. Ngành du lịch tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đón 7 triệu lượt khách, đến năm 2030 đón 12 triệu lượt khách; đồng thời sẽ xây dựng nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính cạnh tranh trong khu vực và cả nước.
Dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, Bạc Liêu với những tiềm năng phát triển và thị trường còn nhiều dư địa để khai thác, hứa hẹn sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển, đóng góp quan trọng cho du lịch của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Tuấn Kiệt