Phát triển du lịch đảo Phú Quý theo hướng xanh, bền vững

Đảo Phú Quý về đêm. Ảnh: TTXVN
Đảo Phú Quý về đêm. Ảnh: TTXVN

Sáng 2/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện đảo Phú Quý tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Phú Quý theo hướng bền vững”.

Phát triển du lịch đảo Phú Quý theo hướng xanh, bền vững ảnh 1Đảo Phú Quý về đêm. Ảnh: TTXVN

Buổi tọa đàm nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, phù hợp với đặc điểm địa lý tự nhiên của địa phương để xây dựng Phú Quý thành điểm đến xanh, sạch, hấp dẫn, an toàn thân thiện, bảo vệ tốt thương hiệu du lịch Phú Quý, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của huyện đảo.

Cách đất liền 56 hải lý theo hướng Đông - Đông Nam, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) được biết đến là nơi có tiềm năng kinh tế biển rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý phong cảnh thiên nhiên đẹp, hoang sơ với các bãi tắm đẹp. Từ đầu năm 2016 đến nay, du lịch Phú Quý đã có những bước phát triển mạnh, nhất là từ khi nguồn điện được phát 24 giờ/ngày đã mở ra một thời kỳ mới cho Phú Quý. Trong năm 2019, gần hơn 42.000 lượt du khách trong và ngoài nước đã đến Phú Quý. Hiện nay, tuyến vận tải hành khách Phan Thiết - Phú Quý đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa với 3 tàu cao tốc và các tàu vận chuyển hàng hóa đang hoạt động thường xuyên...Giao thông đường biển từ đất liền ra đảo được cải thiện, du khách khắp nơi trong tỉnh, cả nước và khách quốc tế đến đảo ngày một đông để công tác, nghiên cứu lịch sử, ngắm cảnh thiên nhiên...Đây cũng là cầu nối quan trọng góp phần đưa Phú Quý gần hơn với đất liền, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, du lịch phát triển.

Theo ông Trần Văn Thông, Trưởng Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch biển đảo hiện nay gồm các loại hình như: Tắm biển, nghỉ dưỡng biển, tham quan cảnh quan, di tích, các hệ sinh thái biển… So với các địa phương khác, du lịch Phú Quý còn khá non trẻ nhưng ngành Du lịch tại đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Để du lịch Phú Quý phát triển bền vững, thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển du lịch một cách đồng bộ, hiệu quả; chú trọng phát triển loại hình du lịch “homestay” ở cùng người dân bản địa, đáp ứng nhu cầu du lịch khám phá của du khách hiện nay.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận Ngô Minh Chính cho rằng: Theo quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Phú Quý của UBND tỉnh, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh, là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo. Mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Phú Quý cơ bản trở thành Khu du lịch trọng điểm của tỉnh Bình Thuận, phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tiềm năng văn hóa biển. Từng bước xây dựng Phú Quý là khu du lịch phát triển theo hướng du lịch xanh, bền vững và đến năm 2030, sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Khu du lịch cấp tỉnh, là Khu du lịch biển đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Dự kiến đến năm 2030, Phú Quý sẽ đón 74.000 lượt khách (trong đó khách quốc tế khoảng 6.000 lượt), tốc độ tăng trưởng khoảng 10,46%/năm và tổng nguồn thu từ du lịch đạt khoảng 380 tỷ đồng/năm, giúp giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Theo UBND huyện đảo Phú Quý, nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch, huyện đảo đã tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch gắn với biển cũng như: Đa dạng hóa các loại hình du lịch hướng đến phát triển du lịch xanh và bền vững. Phú Quý chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường biển, mở rộng đường vành đai, đường liên xã, xây dựng hệ thống kè biển, phát triển điện gió…Trong tương lai, đảo Phú Quý sẽ hướng đến sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển, phát triển thành những khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, đa dạng các loại hình lưu trú khác kết hợp với thể thao biển như khu vực biển xã Tam Thanh và xã Ngũ Phụng.

Phú Quý sẽ mở rộng loại hình du lịch sinh thái trong Khu bảo tồn thiên nhiên với các sản phẩm như: Lặn ngắm các hệ sinh thái biển; quan sát các hệ sinh thái biển bằng thuyền đáy kính; cắm trại dã ngoại tham quan khu bảo tồn biển; xây dựng các khu trung tâm nghiên cứu và bảo tồn tài nguyên rừng. Cùng với đó, du lịch văn hóa cũng là sản phẩm hấp dẫn của Phú Quý như tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm lễ hội truyền thống, tìm hiểu văn hóa đời sống địa phương.

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý khẳng định: Để du lịch Phú Quý phát triển bền vững và thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, huyện chú trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và nhân văn, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương; đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, chất lượng dịch vụ du lịch luôn đảm bảo và từng bước nâng cao.

Nguyễn Thanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm