Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài cuối)

Phát triển Đảng trong vùng đồng bào Khmer (Bài cuối)
Bài 4 (Bài cuối): Tháo gỡ khó khăn, cần giải pháp phù hợp

Hiện nay, tại nhiều địa phương thuộc vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, một trong những khó khăn trong công tác phát triển Đảng chính là thiếu nguồn phát triển đảng viên mới. Thực trạng này đòi hỏi các cấp ủy có giải pháp tháo gỡ một cách linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với đặc thù từng địa phương, song vẫn đảm bảo đúng nguyên tắc, Điều lệ Đảng, phát hiện, giới thiệu những hạt nhân tiêu biểu, quần chúng ưu tú cho Đảng.
 
Khó trong tạo nguồn

Theo ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh, thời gian qua, công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảng viên là người dân tộc thiểu số đã được các cấp ủy ở Trà Vinh quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, coi trọng chất lượng, đảm bảo số lượng và tiêu chuẩn, thông qua các phong trào thực tiễn ở cơ sở để lựa chọn quần chúng ưu tú. 

Kỹ sư nông nghiệp của Hợp tác xã Long Hiệp giới thiệu cách nuôi trùn quế cho du khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Kỹ sư nông nghiệp của Hợp tác xã Long Hiệp giới thiệu cách nuôi trùn quế cho du khách đến tham quan. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Tuy nhiên, hiện nay, công tác tạo nguồn phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc tạo nguồn, bồi dưỡng để kết nạp đảng viên là người Khmer ở tỉnh Trà Vinh đang gặp một số khó khăn cơ bản như: Vẫn còn tình trạng một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức tới công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên là người Khmer.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình đồng bào Khmer còn khó khăn về đời sống, lực lượng lao động chủ yếu trong gia đình phải đi làm ăn xa để có nguồn thu nhập, ít có mặt thường xuyên tại nơi đăng ký cư trú. Vì vậy, quá trình vận động, phát hiện, làm công tác tư tưởng để tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đảng viên còn hạn chế.
 
Còn theo ông Thạch Văn Mến, Bí thư Đảng ủy xã Viên An, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), một trong những trăn trở trong công tác tạo nguồn của Đảng bộ Viên An hiện nay là lực lượng thanh niên trong xã sau khi học xong đại học, cao đẳng hoặc trường nghề, ít trở về địa phương sinh sống. Trong khi đó, có những hạt nhân của một số tổ chức đoàn thể ở địa phương thì tuổi đã cao hoặc trình độ học vấn có người lại chưa đạt so với yêu cầu…
 
Cần giải pháp phù hợp

Nhìn nhận, đánh giá đúng những khó khăn, các cấp ủy đảng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đề ra giải pháp phù hợp, từng bước tháo gỡ. Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương, trên cơ sở Nghị quyết hằng năm của Đảng bộ cấp trên, các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc đánh giá phân loại quần chúng thuộc phạm vi của từng chi, đảng bộ; tích cực, chủ động phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú là người Khmer để đưa vào danh sách cảm tình Đảng; phân công nhiệm vụ cụ thể để quần chúng ưu tú được rèn luyện, thử thách.
 
Ông Trần Văn Tiến, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết: Các đảng bộ cơ sở hằng năm xây dựng kế hoạch cụ thể về việc khắc phục tình trạng chi bộ ấp, khóm không có đảng viên là người Khmer; có kế hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên là người Khmer gắn với nghị quyết của đảng bộ. Trên cơ sở đó, các đảng bộ cơ sở thường xuyên theo dõi, chỉ đạo chi bộ ấp, khóm rà soát, bổ sung nguồn để kết nạp đảng viên đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng theo nghị quyết đề ra.
 
Để có nguồn kết nạp đảng, các chi bộ ở cơ sở chú ý lấy kết quả hoạt động từ những phong trào ở địa phương, kết hợp với nhận xét, đánh giá của đảng viên, Ban Chấp hành các đoàn thể để lựa chọn quần chúng ưu tú giới thiệu nguồn cho chi bộ…
 
Xuất phát từ thực tế tại địa phương là Đảng bộ huyện Trà Cú - huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Trà Cú (Trà Vinh) Dương Văn Triệu chia sẻ: Xác định tạo nguồn và phát triển đảng viên có vai trò hết sức quan trọng nhằm tăng sức chiến đấu cho Đảng, trẻ hóa đội ngũ, bảo đảm tính kế thừa, Đảng bộ huyện Trà Cú đang từng bước khắc phục khó khăn, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc bám sát thực tiễn cơ sở, tìm ra giải pháp phù hợp, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên hằng năm.

Đặc biệt, Trà Cú có giải pháp là đối với các chi bộ các ấp, khóm, chú trọng tạo nguồn từ tổ chức Đoàn Thanh niên, coi tổ chức này là nòng cốt “giữ chân” lực lượng thanh niên nông thôn ở lại địa phương bằng cách xây dựng, đẩy mạnh mô hình liên kết phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, giúp thanh niên nông thôn có việc làm, ổn định đời sống.
 
Cũng chính qua các phong trào của tuổi trẻ sẽ phát hiện những đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho tổ chức Đảng xem xét, bồi dưỡng nhận thức về đảng và tiếp tục theo dõi quá trình phấn đấu, đưa vào diện cảm tình đảng. Các chi bộ trong đảng bộ lấy kết quả hoạt động của các phong trào ở địa phương, kết hợp với nhận xét, đánh giá của đảng viên, Ban Chấp hành các đoàn thể để việc lựa chọn quần chúng ưu tú được chính xác.
 
Đối với tỉnh Sóc Trăng, ông Trần Phước Vĩnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong phát hiện tạo nguồn đảng viên dân tộc thiểu số, với đặc thù tỉnh Sóc Trăng có tới 30,18 % số dân là đồng bào Khmer, Tỉnh ủy Sóc Trăng lưu ý các cấp ủy đảng quan tâm động viên, phát hiện và bồi dưỡng những trường hợp quần chúng ưu tú có ý chí phấn đấu trong phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng ở địa phương.
 
Thực tế tại Sóc Trăng cho thấy, việc quan tâm tạo nguồn phát triển đảng, nâng tỷ lệ đảng viên người dân tộc thiểu số ở các tổ chức cơ sở đảng đã tạo ra tác động tích cực, như: Nơi nào có đông đảng viên là người dân tộc thiểu số thì nơi đó không bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, lôi kéo. Các đảng viên người dân tộc thiểu số cũng luôn gương mẫu đi đầu trong chăm lo phát triển kinh tế, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp.
 
Thanh Trà - Phúc Sơn - Trung Hiếu - Hồng Nhung

Có thể bạn quan tâm