Ngày 19/11, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Ủy ban Dân tộc Hoàng Văn Xô làm trưởng đoàn và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về chuẩn bị dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh cho biết: Nhu cầu đầu tư phát triển của tỉnh Lạng Sơn rất lớn, nhất là về cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt…, nhưng do điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư công có hạn, nên nguồn lực để đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất hạn chế. Việc thực hiện dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, giảm đói nghèo, sự bất bình đẳng giới do nghèo đói và lạc hậu; khắc phục tình trạng đi lại khó khăn, nâng cao dân trí.
Dự án sử dụng vốn ADB trong giai đoạn 2021-2025, gồm các tiểu dự án kết nối giao thông, tạo liên kết vùng có sức lan tỏa đối với các vùng có tiềm năng phát triển kinh tế với 55,4 km đường. Các tiểu dự án cấp nước tưới tiêu cho khoảng 506 ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 5.000 hộ dân; di dời 30 hộ dân và ổn định dân cư trên 200 hộ đang sinh sống dọc hai bờ sông Thương, nhằm khắc phục sự cố thiên tai trong mùa mưa lũ.
Tổng mức vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng (tương đương khoảng 103 triệu USD). Trong đó, dự kiến nguồn vốn vay ADB khoảng 1.920 tỷ đồng, tương đương 83 triệu USD; vốn đối ứng dự kiến khoảng 480 tỷ đồng, tương đương 21 triệu USD.
Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều thông qua việc tạo ra các cơ hội tiếp cận với các điều kiện phát triển, mang lợi ích cho những người nghèo, dân tộc thiểu số và đặc biệt là phụ nữ; giảm chênh lệch về mức sống giữa vùng sâu, vùng xa với các vùng thành thị. Dự án phát triển hệ thống các tuyến đường nối trung tâm xã với các thị trấn, thị xã; các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất, nhằm tăng khả năng lưu thông hàng hóa, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển dân sinh, kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó dự án cũng sẽ giúp đồng bào dân tộc chủ động trong hoạt động sản xuất, bớt phụ thuộc vào điều kiện thời tiết; từng bước xóa bỏ tập quán du canh, du mục, phá rừng làm nương, rẫy, tình trạng di dân tự do, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 3 huyện thuộc Chương trình 30a; với 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 133 xã đặc biệt khó khăn. Dân số toàn tỉnh là 789.600 người, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 83,8%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 7,89%, trong đó số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm 94,38%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2016-2020 bình quân ước đạt 5,45%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,5 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, mặc dù Chính phủ và tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, tuy nhiên, Lạng Sơn hiện vẫn còn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế còn thấp. Hàng năm, tỉnh vẫn còn phải nhận trợ cấp từ Trung ương; chưa cân đối được thu - chi nên chưa có nguồn lực đầu tư để tạo đột phá về phát triển kinh tế và thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của bà con. Vì vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo thống kê, trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Lạng Sơn chịu ảnh hưởng trục tiếp của 29 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 30 trận lũ lụt, 28 đợt sạt lở đất, làm chết và bị thương 76 người; gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu là các đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xã, vùng đặc biệt khó khăn tại các xã thuộc các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập…
Tại buổi làm việc, tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cũng như thực hiện các dự án ODA giai đoạn 2020-2025.
Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Phát triển châu Á quan tâm, hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đề xuất và chấp thuận các danh mục sử dụng vốn ADB phù hợp với tiêu chí sử dụng vốn của nhà tài trợ, trong đó có danh mục các dự án đề xuất vào dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thái Thuần