Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp miền Bắc Việt Nam

Tại kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mới đây đã thông qua Nghị quyết số 68/NQ-HĐND về chủ trương đầu tư Dự án Hỗ trợ kinh tế tuần hoàn xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam tại tỉnh Bắc Kạn.

vna_potal_ky_hop_thu_23_hdnd_tinh_bac_kan___7679190.jpg
Các đại biểu thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Vũ Hoàng Giang – TTXVN

Dự án này có tổng mức đầu tư 288,92 tỷ đồng, gồm 4 hợp phần: Tăng cường cơ sở hạ tầng sản xuất và phân phối; Thúc đẩy quy trình chế biến sản phẩm; Mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; Quản lý dự án. Dự án được thực hiện tại hai huyện Ba Bể, Na Rì và thành phố Bắc Kạn từ năm 2024 đến năm 2029. Dự án có mục tiêu góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho các hộ nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số thông qua cải thiện tính cạnh tranh thị trường và thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản tỉnh Bắc Kạn.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, những năm gần đây, Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng ưu tiên hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn. Tỉnh quan tâm việc sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị và thu được một số kết quả bước đầu khá tích cực; hình thành các tổ chức sản xuất nông dân theo hình thức tổ hợp tác, hình thành liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ giữa các tổ, nhóm sản xuất với doanh nghiệp/hợp tác xã/chuỗi nhà hàng, siêu thị, đơn vị chế biến...

Tuy nhiên, quá trình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết như: Năng lực sản xuất và phân phối còn hạn chế; giá trị gia tăng của chuỗi giá trị nông sản còn thấp do chưa được đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến sâu; nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo các quy trình chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Bên cạnh đó chưa tận dụng được nguồn phế phẩm trong nông nghiệp, chưa xử lý triệt để những tác động, ảnh hưởng của quá trình sản xuất, chế biến đến môi trường; khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; hoạt động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, kém hiệu quả; chưa có sự gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái.

Với đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, thời gian tới, Bắc Kạn sẽ rất khó huy động nguồn vốn vay ODA để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc vận động, thu hút hiệu quả nguồn vốn ODA không hoàn lại để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay là phù hợp chính sách của Trung ương, nhà tài trợ và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc đầu tư dự án “Hỗ trợ kinh tế tuần hoàn xanh thông qua cải thiện chuỗi giá trị nông nghiệp ở miền Bắc Việt Nam tại tỉnh Bắc Kạn” là quan trọng và cần thiết đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh.Dự án sẽ thực hiện các can thiệp đối với từng khâu, từng tác nhân và tận dụng thế mạnh sẵn có về nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy sản xuất, chế biến, thương mại trong chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn...

Sơn Hải

Có thể bạn quan tâm