Bưởi da xanh thuộc nhóm 8 loại nông sản chủ lực của tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền |
Doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung
Theo thống kê năm 2016, diện tích chôm chôm toàn tỉnh Bến Tre khoảng trên 5.600 ha (chiếm khoảng 20,28% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh) với sản lượng trên 107.000 tấn/năm; tập trung chủ yếu tại huyện Chợ Lách và Châu Thành. Hiện đã có một số diện tích trồng tập trung tại các xã Tiên Long (Châu Thành), Sơn Định và Vĩnh Bình (Chợ Lách).
Thời gian gần đây, chôm chôm cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ và một số nước Châu Âu, nhưng số lượng vẫn còn rất ít và không ổn định. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 3 doanh nghiệp sơ chế xuất khẩu. Và chỉ có Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Nhiệt Đới ký kết hợp đồng tiêu thụ với một tổ hợp tác ở huyện Châu Thành với diện tích khoảng 13,6 ha. Tuy nhiên, đây chỉ mới là hợp đồng ghi nhớ chưa có tính ràng buộc cao thực thi hợp đồng.
Xã Sơn Định, huyện Chợ Lách có khoảng 500 ha diện tích chôm chôm, trong đó có 3 loại chôm chôm chính: chôm chôm đường, chôm chôm Java và chôm chôm Thái. Xã có 1 Hợp tác xã và 17 tổ hợp tác trồng chôm chôm nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào ký kết bao tiêu.
Nông dân xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre thu hoạch chôm chôm. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN |
Ông Lý Tấn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định cho biết, thuận lợi của chôm chôm Sơn Định là nhờ trình độ sản xuất, điều kiện địa lý thổ nhưỡng nên nông dân có thể trồng nghịch vụ, rãi vụ. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng chôm chôm rất khó ký, do biên độ giá dao động cao. Mùa thuận chôm chôm có giá bán 5.000 – 6.000 đồng/kg, đến mùa nghịch thì giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Vì thế, nếu ký kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp rất khó. Doanh nghiệp không bao tiêu, chỉ ký kết hợp đồng mua theo từng thời điểm. Mặc dù sản phẩm của các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác bán hết, không bị ứ đọng ở vườn nhưng giá cả không ổn định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Chánh Thu (chuyên xuất khẩu chôm chôm) chỉ rõ thực tế hiện nay, các doanh nghiệp trên thị trường cạnh tranh nhiều giá nên việc liên kết giữa công ty và nông dân, hợp tác xã không chặt chẽ, chỉ thỏa thuận theo thời điểm. Ngoài ra, chôm chôm thu hoạch theo mùa và không bảo quản được lâu nên không thể ký kết hợp đồng lâu dài được với nông dân, không đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã được.
Bà Thu cũng nhìn nhận, nếu không có chuỗi giá trị thì không có chất lượng tốt, không giữ được thị trường. Mong muốn của người nông dân thì được bao tiêu sản phẩm nhưng doanh nghiệp không đủ sức. Theo tiêu chuẩn của thị trường thì phải lựa trái đúng chuẩn, đúng mẫu, trọng lượng vì vậy hàng nào đúng yêu cầu của khách hàng thì công ty mới thỏa thuận mua.
Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây ăn trái trên 27.700 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, bưởi da xanh được đưa vào nhóm có chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre có trên 7.200 ha bưởi da xanh, sản lượng gần 57.000 tấn/năm, chủ yếu được trồng tập trung ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, thành phố Bến Tre,… Thế nhưng, đến nay mới có 35,43 ha bưởi da xanh tham gia chuỗi giá trị.
Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở Hương Miền Tây cho biết, bưởi da xanh Bến Tre rất có tiếng trong nước và ngoài nước nhưng việc xuất khẩu sang thị trường ngoài nước gặp rất nhiều rủi ro do diện tích sản xuất bưởi nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến sản lượng không đồng đều, chất lượng không ổn định nên rất khó giữ khách hàng.
Vườn bưởi da xanh chuẩn bị cho thu hoạch tại Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Theo Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bến Tre Lâm Văn Lĩnh, hiện nay thị trường chủ yếu của bưởi da xanh và chôm chôm vẫn là thị trường nội địa, việc xuất khẩu còn gặp nhiều trở ngại do phải tìm thị trường và phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của phía đối tác.
Bưởi da xanh và chôm chôm chủ yếu được phân phối dưới dạng sản phẩm tươi, một phần nhỏ bưởi da xanh không đạt chuẩn (bưởi bi, bưởi dạt) được sử dụng để chế biến nước ép và một tỷ lệ nhỏ dùng chế biến mứt trái cây, rượu vang và các món ăn khác nên giá trị sản phẩm chưa thật sự được khai thác triệt để và hiệu quả. Vì vậy, rất cần tạo đầu ra ổn định thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm và hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp thu mua sơ chế. Đồng thời, cần có định hướng phát triển mới cho bưởi da xanh và chôm chôm chế biến sản phẩm chất lượng cao nhằm tăng giá trị sản phẩm nông sản trong thời gian tới.
Muốn sản xuất và tiêu thụ bền vững thì phải liên kết
Đó là ý kiến của ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở Hương Miền Tây. Ông Hưng cho hay, hiện nay, thị trường có nhu cầu bưởi da xanh rất lớn nhưng cơ sở vẫn chưa đáp ứng được. Hiện nay, cơ sở Hương Miền Tây đã bao tiêu khoảng 277 ha diện tích bưởi da xanh trên địa bàn tỉnh, tương đương sản lượng gần 1.238 tấn/năm. Hằng năm, cơ sở phải mua thêm từ thương lái gần 7.000 tấn/năm và các hộ ngoài tổ hợp tác, hợp tác xã gần 5.000 tấn/năm. Như vậy, sản lượng được bao tiêu chưa cao, chưa đáp ứng được thị trường.
Muốn tồn tại sản phẩm trên thị trường cần tổ chức lại sản xuất, giữa doanh nghiệp và nông dân cần hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm hướng đi lâu dài. Muốn giữ được khách hàng lâu dài thì không chỉ có 1 ha bưởi ngon, đẹp vì diện tích quá ít không đáp ứng được nhu cầu thị trường, vì vậy cần phải liên kết để tạo ra được nhiều sản phẩm đồng đều, chất lượng để cung cấp lâu dài cho thị trường.
Cũng theo ông Đàm Văn Hưng, để hỗ trợ người nông dân tham gia chuỗi liên kết, Cơ sở Hương Miền Tây sẽ hình thành đội quản lý chất lượng, hỗ trợ trực tiếp cho hợp tác xã, tổ hợp tác: xây dựng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng,…đáp ứng theo đúng yêu cầu của thị trường khách hàng. Ngoài ra, cơ sở sẽ ký kết hợp đồng thu mua theo giá thị trường (ký hợp đồng giá bán cố định cho cả năm) để gắn bó chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng cũng đòi hỏi người dân phải sản xuất sản phẩm đạt chất lượng sạch và sản lượng ổn định xuyên suốt.
Nhằm thực hiện chuỗi giá trị bưởi da xanh và chôm chôm, Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác bưởi da xanh và chôm chôm. Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 109 hợp tác xã, tổ hợp tác bưởi da xanh và 42 hợp tác xã, tổ hợp tác chôm chôm.
Hiện nay, bưởi da xanh đã có 16 hợp đồng tiêu thụ được ký kết và 2 hợp đồng ký kết đầu vào. Tuy nhiên, vẫn còn 5 hợp tác xã và 78 tổ hợp tác bưởi da xanh (tổng diện tích gần 900 ha, sản lượng ước khoảng 13.500 tấn) chưa có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; 6 hợp tác xã và 90 tổ hợp tác chưa có hợp đồng đầu vào ổn định. Riêng chôm chôm, những năm qua khâu liên kết đầu vào và đầu ra chưa được thỏa thuận và ký kết hợp đồng cụ thể.
Bưởi da xanh Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN |
Bà Phan Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho rằng, thời gian qua hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa nhiều (đặc biệt là tiêu thụ trái chôm chôm) nguyên nhân do quy mô hợp tác còn nhỏ lẻ, chưa đạt được quy mô vùng nguyên liệu lớn; chưa có đủ số lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất chính là lòng tin giữa hai bên chưa đủ, lợi ích chưa chia sẻ hài hòa giữa đôi bên nên doanh nghiệp chưa xây dựng được vùng nguyên liệu của chính mình, còn nông dân lại không có đầu ra ổn định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cũng cho biết năm 2018, Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh Bến Tre để làm việc với một số doanh nghiệp đầu ra, xác định nhu cầu thị trường đầu ra, sau đó xây dựng kế hoạch để nông dân sản xuất theo nhu cầu của thị trường đó.
Trần Thị Thu Hiền