Ngày 2/6, tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội thảo giới thiệu Dự án "Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và bền vững ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam".
Dự án "Can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và bền vững ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam" thuộc nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) triển khai chương trình nghiên cứu toàn cầu về chăn nuôi được Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) thực hiện từ 2019 đến 2021. Hiện nay, dự án đã đưa ra một số mô hình thử nghiệm kết hợp linh hoạt các hình thức thâm canh.
Tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, dự án khảo sát ban đầu sẽ được Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) thực hiện với 3 nhóm xã: Nhóm được can thiệp là các xã Chiềng Chung, Chiềng Lương; nhóm đối chứng là hai xã Chiềng Chăn, Mường Bằng; nhóm so sánh gồm một số xã khác trên địa bàn huyện Mai Sơn được lựa chọn giúp nắm bắt, phân biệt sự khác nhau, để đánh giá và làm nổi bật các đặc điểm trên địa bàn huyện. Dự án đã đưa ra các bằng chứng về các gói mô hình phù hợp để đối tác tại địa phương có thể nhân rộng.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, đại diện Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế cho biết, dự án triển khai nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ thâm canh bền vững chăn nuôi kết hợp với trồng trọt ở Tây Bắc Việt Nam thông qua việc xác định, thử nghiệm và đánh giá các can thiệp về chăn nuôi, tăng cường kiến thức, kỹ năng chăn nuôi và nâng cao nhận thức về suy thoái môi trường.
Đồng thời, dự án thúc đẩy phát triển sản xuất chăn nuôi của địa phương, kết nối thị trường và cung cấp dịch vụ thương mại hóa bền vững, đảm bảo mọi người dân tham gia đều được hưởng lợi. Xác định và tăng cường các đối thoại chính sách liên ngành môi trường - nông nghiệp và tương tác ở các cấp độ khác nhau để cùng hướng tới các chính sách hiệu quả và có lợi cho nông hộ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt nông hộ nhỏ ở vùng núi Tây Bắc.
Thông qua dự án, nông dân ở huyện Mai Sơn, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số, phụ nữ và nam giới ở ba khu vực địa hình (vùng thấp, vùng trung và vùng núi) được tăng cường bền vững hệ thống chăn nuôi nông hộ nhỏ; thương mại hóa sản phẩm chăn nuôi; hướng tới môi trường chính sách thuận lợi để phát triển chăn nuôi bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn cho biết, các hoạt động nghiên cứu và can thiệp của dự án hướng tới việc di truyền trong thử nghiệm về thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò và lợn; tập huấn cho người dân về giống và kỹ thuật phối giống cho gia súc; tăng cường năng lực cho người dân và cán bộ thú y cơ sở về an toàn sinh học, chẩn đoán và quản lý dịch bệnh.
Dự án cũng nghiên cứu đánh giá về lồng ghép giới trong thức ăn chăn nuôi; thử nghiệm các giải pháp tăng cường chất lượng thức ăn chăn nuôi; thử nghiệm các giải pháp tăng cường chất lượng thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu về hệ thống cung ứng hạt giống; đánh giá tổng quát về môi trường nuôi, dinh dưỡng cây trồng vật nuôi và phát triển bền vững.
Dự án xác định các phương án về quản lý dinh dưỡng cho nông hộ; nâng cao năng lực của cán bộ khuyến nông về quản lý dinh dưỡng; nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường (dinh dưỡng cây trồng vật nuôi, khí nhà kính, tài nguyên nước); thực hiện nghiên cứu thị trường để đánh giá tiềm năng cho các sản phẩm chăn nuôi giá trị cao. Nghiên cứu có sự tham gia nhằm xác định một số can thiệp phù hợp để nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi.
Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam triển khai các chủ đề nghiên cứu quan trọng bao gồm: Sức khỏe động vật và an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, thức ăn gia súc, di truyền động vật và chuỗi giá trị chăn nuôi. Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế tại Việt Nam tập trung vào hai lĩnh vực nghiên cứu chính là tăng cường bền vững các hệ thống chăn nuôi hỗn hợp và giảm thiểu nguy cơ trong việc thay đổi hệ thống nông nghiệp.
Quang Quyết