Phát huy vai trò hương ước bảo vệ rừng ở Khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông

Những năm qua, Hòa Bình triển khai đồng bộ các biện pháp trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng bào các dân tộc gìn giữ và bảo vệ nhiều khu rừng nguyên sinh, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên hơn 52%.

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông.jpg
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông. Ảnh: thiennhien.net

Tại thôn Bo Trẳm, xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) có quy định: Tất cả người dân trong thôn phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng. Từng gia đình chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy... Nhờ đó, khu rừng nguyên sinh của thôn có quần thể 11 cây nghiến hàng trăm năm tuổi do người dân gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ được công nhận là cây di sản Việt Nam thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông.

Anh Bùi Văn Thuấn, Trưởng thôn Bo Trẳm chia sẻ, các già làng, trưởng bản, người có uy tín thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động để bà con hiểu “rừng là lá phổi xanh của con người nên cần duy trì và bảo vệ rừng thật tốt”, đồng thời lực lượng Kiểm lâm cùng các đơn vị liên quan thường xuyên tuyên truyền, kiểm soát hành vi xâm hại rừng, cùng người dân ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng. Hương ước, quy chế bảo vệ rừng đã được xóm, xã đưa vào lệ làng và duy trì trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt nhắc nhở đồng bào không phát nương làm rẫy, chặt phá rừng và săn bắt thú rừng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông có tổng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha; trong đó, rừng đặc dụng chiếm trên 15.000 ha, trải dài ở 6 xã của 2 huyện Lạc Sơn và Tân Lạc. Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 3.100 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 11.000 ha và phân khu dịch vụ hành chính trên 664 ha. Nhờ làm tốt việc giữ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng nên diện tích rừng ở Khu bảo tồn duy trì tốt đa dạng sinh học với nhiều loại cây gỗ quý, động vật, thực vật quý hiếm.

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông Bùi Văn Hùng cho biết, Khu bảo tồn hiện có 31 xóm và thành lập 27 tổ bảo vệ rừng với gần 200 hộ thành viên. Kiểm lâm xuống tận các xóm, xã tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ rừng. Hằng năm, Kiểm lâm tổ chức tập huấn cho tổ bảo vệ phòng, chống cháy rừng, thường xuyên phối hợp tuần tra, phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa…

Thời gian qua, người dân trong Khu bảo tồn thực hiện rất tốt hương ước, quy ước của thôn, bản và quy ước bảo vệ rừng. Ngoài ra, lãnh đạo xã Ngổ Luông phối hợp cán bộ Kiểm lâm, lực lượng Công an đến từng hộ tuyên truyền, lồng ghép việc bảo vệ rừng vào những cuộc họp Chi bộ và họp thôn.

Ông Bùi Văn Hùng thông tin, nhờ sự vào cuộc của cộng đồng dân cư nên nhiều năm trở lại đây, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông không xảy ra tình trạng chặt, phá rừng. Những trường hợp từ nơi khác đến vào rừng bẫy chim, thú rừng, người dân phát hiện, nhắc nhở và xử phạt theo hương ước, quy ước của thôn, bản đề ra.

Có thể thấy, ý thức quản lý, bảo vệ rừng theo hương ước, quy ước của đồng bào dân tộc thiếu số xã Ngổ Luông, huyện vùng cao Tân Lạc giúp Kiểm lâm và cơ quan chức năng làm tốt việc quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên toàn huyện. Đến nay, độ che phủ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, huyện Tân Lạc đã lên tới gần 90%.

Vũ Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm