Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong phổ biến chính sách

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong phổ biến chính sách
Già làng Y Trí Mlô ở xã Cư Pơng, huyện Krông Púk (Đắk Lắk) tích cực vận động gia đình và nhân dân địa phương thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh:.nhandan.com.vn
Già làng Y Trí Mlô ở xã Cư Pơng, huyện Krông Púk (Đắk Lắk) tích cực vận động gia đình và nhân dân địa phương thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh:.nhandan.com.vn 
Phát triển nhưng chưa bền vững Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết quý III-2017, khu vực Tây Nguyên có gần 336 nghìn người tham gia BHXH, chiếm khoảng 12% so lực lượng lao động trong khu vực. Trong đó, có gần 330 nghìn người tham gia BHXH bắt buộc; hơn sáu nghìn người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 2,97% so tổng số người tham gia BHXH tự nguyện cả nước, tăng 955 người so năm 2016. Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết: Trong 5 năm gần đây (từ 2013 đến 2017) tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hằng năm của các tỉnh khu vực Tây Nguyên cao hơn so tỷ lệ tăng bình quân của cả nước. Năm 2016, do thay đổi về chính sách đối với đối tượng là cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cho nên số đối tượng này đã chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang tham gia BHXH bắt buộc, khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn quốc giảm khoảng 7%. Tuy nhiên, số người tham gia BHXH tự nguyện tại khu vực Tây Nguyên vẫn đạt gần 6.000 người, tăng 10,2% so năm 2015; trong chín tháng đầu năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 6.524 người, tăng 17,2% so với năm 2016. Các tỉnh đạt tỷ lệ cao như: Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum. Đến hết tháng 9-2017, số đối tượng tham gia BHYT của năm tỉnh khu vực Tây Nguyên là 4,7 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 82,6% so với dân số khu vực, vượt 1,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 221 nghìn người, chiếm tỷ trọng 6% so tổng số người tham gia BHYT trên toàn quốc. Trong đó, có 588 nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm tỷ trọng khoảng 4,48%/ tổng số người tham gia BHYT hộ gia đình cả nước). Trong đó, có ba tỉnh đã đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là Gia Lai (88%), Kon Tum (90,1%), Đắk Lắk (81,7%); còn hai tỉnh chưa hoàn thành chỉ tiêu là Đắk Nông (78,9%) thiếu 2,9%; Lâm Đồng (76,6%) thiếu 1,2% so chỉ tiêu. Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về mức đóng, hình thức đóng và mức thụ hưởng được Nhà nước ban hành. Đây được xem là một trong những giải pháp cơ bản nhất bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, về vấn đề này, Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Thới Văn Đạo chia sẻ: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ở Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân quan trọng là do người dân chủ yếu làm nông nghiệp, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp, không ổn định, một nguyên nhân nữa là do địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế cho nên gặp nhiều khó khăn trong tuyên truyền, vận động. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; mới chỉ tập trung vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và đối tượng tham gia BHYT được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng; chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm.Để chính sách đi vào cuộc sống Tại hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình” do BHXH Việt Nam phối hợp Ủy ban Dân tộc tổ chức ngày 18-11 vừa qua, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Quốc Tuấn cho rằng, để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên, góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội thì việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến đồng bào dân tộc, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện; đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của địa phương bảo đảm tính ổn định, bền vững... Giám đốc BHXH tỉnh Kon Tum Trần Văn Lực cho rằng, để làm tốt nhiệm vụ này, cơ quan BHXH mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT; nâng cao hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT, cần đào tạo kỹ năng tuyên truyền, vận động, tiếp cận cho đại lý thu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện. Đặc biệt, phải coi trọng "tiếng nói" của các già làng, trưởng bản, bởi họ là những người có uy tín tại các thôn làng, địa phương, tác động rất mạnh đến nhận thức và niềm tin đối với người dân. Việc huy động đội ngũ người có uy tín hưởng ứng, tham gia công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình là rất hiệu quả. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đác Lắc Y Ring Ảơng cũng cho biết, năm 2017, tỉnh Đác Lắc có 1.018 người có uy tín đã được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 584/UBND ngày 14-3-2017. Đội ngũ già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn gương mẫu phát huy vai trò, vị trí và uy tín của mình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Theo : nhandan.com.vn

Có thể bạn quan tâm