Bảo vệ trẻ em kịp thời qua đường dây nóng 111. Ảnh : anninhthudo.vn |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ ý kiến, thông tin về hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như những khó khăn, bất cập trong việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng kiến nghị nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em bị bạo hành và xâm hại tình dục. Hầu hết các đại biểu cho rằng, thách thức chung của các đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế về vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Thêm vào đó, nhiều gia đình nạn nhân thường có xu hướng "giải quyết nội bộ" hoặc thỏa thuận dân sự với kẻ phạm tội; gia đình chưa quan tâm giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em; quy trình tố tụng đối với các vụ việc xâm hại trẻ em còn kéo dài, thiếu nhạy cảm...
Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phạm vi, mức độ, nội dung thực hiện giám sát của các tổ chức chính trị- xã hội đối với cơ quan tố tụng liên quan đến những vấn đề của trẻ em. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu chủ động của các tổ chức chính trị -xã hội khi tham gia quá trình giải quyết vụ việc, dẫn đến đưa ra kiến nghị giải quyết vụ việc không kịp thời.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh chia sẻ: Hiện có nhiều tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền trẻ em và đã có nhiều hoạt động tích cực. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội (ngoài Hội Bảo vệ quyền trẻ em) còn gặp nhiều khó khăn trong cung cấp dịch vụ đáp ứng các nhu cầu của trẻ em; giám sát và báo cáo việc thực hiện công ước quốc tế và pháp luật trong nước về trẻ em; vận động các chính sách; đại diện trẻ em nói lên tiếng nói của bản thân, đại diện hỗ trợ pháp lý cho trẻ em và gia đình...
Để tăng cường phối hợp, tạo điều kiện phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ quyền trẻ em trong thực thi Điều 92, Luật Trẻ em và trong phòng ngừa, chăm sóc, bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành, xâm hại tình dục, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Mạnh Hùng đề xuất nên xây dựng chương trình phối hợp. Trong đó cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị; tổ chức các khóa tập huấn, hội nghị, hội thảo... phổ biến nội dung, kiến thức pháp luật; tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát liên ngành trong các nhà trường...
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Đinh Thị Hồng cũng nêu rõ: Việc kiểm tra, giám sát thực hiện quyền trẻ em, phòng, chống bạo lực trẻ em trong các nhà trường cần tiến hành đột xuất. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, giáo dục tâm sinh lý cho trẻ em... để trẻ có kỹ năng ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi bạo hành, xâm hại.
Tại diễn đàn, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu lên 8 kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý Nhà nước: Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo... để hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức xã hội, sự tham gia của luật sư nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em, bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục.
Minh Huệ