Những năm qua, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình tổ chức đã thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, hòa mình vào không gian văn hóa của các đồng bào dân tộc. Đây là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn, khôi phục và phát huy nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn thành sản phầm du lịch đặc trưng của địa phương.
Gần 1 tháng nay, ngày nào đội văn nghệ của Hội Phụ nữ xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cũng chăm chỉ luyện tập. Những màn biểu diễn cồng chiêng, những làn điệu dân ca... dù đã quen thuộc nhưng để chuẩn bị tham gia biểu diễn tại Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan năm 2023 các thành viên vẫn cố gắng tập luyện để chau chuốt lại cho thật hay, thật đặc sắc.
Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Lạc vui vẻ cho biết: "Qua những lễ hội này chúng tôi mong muốn được đem những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường như cồng chiêng, lời ca tiếng hát, những trò chơi dân gian và đặc biệt là ẩm thực của dân tộc để phục vụ du khách gần xa. Bên cạnh đó, lễ hội đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, các thế hệ con cháu hiểu được bản sắc của dân tộc mình và cũng tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng quê hương của mình ngày một tiên tiến đậm đà bản sắc".
Năm nay, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức từ ngày 17 - 19/3 tại Sân vận động xã Cúc Phương, huyện Nho Quan với sự tham gia của 11 đoàn đến từ câu lạc bộ văn nghệ, thể thao của các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trong huyện, cùng sự góp mặt của hơn 1.000 diễn viên, vận động viên quần chúng tham gia vào các hoạt động hội trại; biểu diễn cồng chiêng, múa sạp và giao lưu nghệ thuật quần chúng. Ngoài ra còn có hàng loạt các hoạt động giao lưu các môn thể thao, các trò chơi dân gian như đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, bắn nỏ… gắn với quảng bá, giới thiệu du lịch, sản phẩm OCOP, mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương.
Theo Ban tổ chức, mỗi năm Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức đều có nét mới riêng. Năm 2022, ngày hội được diễn ra gắn với Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong và ngoài nước không chỉ về văn hóa bản địa, giới thiệu, quảng bá về du lịch của địa phương mà còn là cơ hội để tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng. Năm nay, trong việc tổ chức hội trại, Ban tổ chức đã phân công cho 3 xã cùng tổ chức một trại chứ không tách riêng hội trại của từng xã như mọi năm, từ đó tạo nên sự gắn kết đồng thời giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên cùng địa bàn huyện Nho Quan tạo nên nét riêng biệt. Đây có thể là nét mới góp phần tạo nên sự thích thú đối với du khách khi thăm quan hội trại.
Theo UBND huyện Nho Quan, địa phương là huyện miền núi duy nhất của tỉnh Ninh Bình, quê hương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Trên địa bàn huyện có 15 dân tộc sinh sống, tuy có khác nhau về ngôn ngữ, phong tục tập quán nhưng từ rất sớm đã giao thoa và tạo thành một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, tạo nên một bức tranh văn hóa phong phú, nhiều màu sắc. Ngoài những nét văn hóa, lịch sử đặc sắc, Nho Quan còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Vân Trình, động Thiên Hà; suối nước khoáng nóng Cúc Phương, khu du lịch sinh thái Hồ Đồng Chương.
Trong 4 năm liền (từ năm 2019 đến năm 2022), Vườn Quốc gia Cúc Phương được tổ chức World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á với khu bảo tồn động, thực vật có nhiều nguồn gen quý hiếm, để lại những dấu ấn khó phai cho du khách khi đến với Nho Quan. Vì vậy, trong nhiều năm qua, việc đưa văn hóa bản địa của dân tộc Mường thành nét đặc trưng khi đến với Nho Quan là hướng phát triển du lịch của địa phương. Trong đó, điểm nhấn có thể kể đến như Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan được tổ chức thường niên, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân trong huyện, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn; từng bước tạo thành sản phẩm du lịch để thúc đẩy ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
Ông Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết, trên địa bàn huyện đang có gần 30.000 người là dân tộc Mường sinh sống (chiếm 15% dân số của huyện). Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn luôn được huyện Nho Quan quan tâm, chú trọng. Thông qua các Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy một số nét đẹp văn hóa dân tộc Mường và Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường…, đồng bào có cơ hội phát huy những di sản văn hóa.
Đặc biệt, hàng năm UBND huyện tổ chức Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc huyện Nho Quan là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, kết hợp giữa văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao, các sản phẩm nông, công nghiệp của đồng bào các dân tộc, qua đó thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư vào địa bàn.
Cùng với những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người bản địa, không gian trong lành của đại ngàn Cúc Phương và những không gian văn hóa đã và đang được gìn giữ, du lịch Nho Quan đang kỳ vọng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước trong bối cảnh du lịch Việt Nam phục hồi và khởi sắc.
Hải Yến