Ngày 26/9, tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ và Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Lễ hội Háng Pỉnh năm 2023. Lễ hội nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, thể hiện sự đoàn kết, là nét đẹp văn hóa độc đáo, nếp sinh hoạt mang tính cộng đồng, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Xứ Lạng.
Đây là năm đầu tiên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện kế hoạch đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Háng Pỉnh với mục tiêu xây dựng, phát triển lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Xứ Lạng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Đặng Ân cho biết, trải qua quá trình xây dựng, hình thành và phát triển cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn vẫn gìn giữ được những nét đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có Lễ hội Háng Pỉnh.
Theo tiếng dân tộc Tày, Nùng, chữ "Háng" có nghĩa là chợ, " Pỉnh" nghĩa là bánh nướng, đây là phiên chợ mua sắm bánh nướng nhân dịp Tết Trung thu của dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng. Cứ vào ngày 12/8 âm lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng trong và ngoài tỉnh lại nô nức kéo về thành phố Lạng Sơn để vui hội Háng Pỉnh.
Đến với Lễ hội, mọi người diện những bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, làm nổi bật sắc chàm đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Lạng Sơn nói riêng, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Điểm đặc sắc khi đến với hội Háng Pỉnh là mọi người không chỉ mua bánh nướng làm đồ lễ cúng rằm; làm quà tặng cho ông bà, bố mẹ, người thân; làm đồ ăn liên hoan trong ngày Trung thu sắp đến, mà còn cùng nhau thưởng thức bánh nướng, bánh dẻo và hát những làn điệu dân ca sli, lượn, câu then mượt mà, đằm thắm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, trước đây lễ hội được tổ chức một cách tự phát. Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã lựa chọn Lễ hội Háng Pỉnh làm đối tượng thực hiện tiểu dự án số 3 thuộc Dự án 6 (Tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số) trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, góp phần bản tồn, phát huy giá trị gắn với xây dựng Lễ hội Háng Pỉnh thành một sự kiện văn hóa, sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc với nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng có của Xứ Lạng; thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, dịch vụ tại địa phương.
Tại chương trình, các đại biểu, nhân dân trong tỉnh và du khách gần xa đã được thưởng thức các tiết mục hát then, sli đặc sắc ca ngợi quê hương Lạng Sơn; tham quan không gian văn hóa chợ Kỳ Lừa xưa và trải nghiệm làm bánh Trung thu. Nhân dịp này, Ban tổ chức lễ hội trao tặng 20 suất quà cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh.
Bà Dương Thị Kim Loan, Câu lạc bộ đàn hát dân ca thị trấn Cao Lộc cho biết, bà và 24 thành viên Câu lạc bộ rất vui khi được tham gia 3 tiết mục trong Lễ hội Háng Pỉnh năm 2023. Câu lạc bộ thành lập được 10 năm, đây là lần thứ 8 tham gia Lễ hội Háng Pỉnh. Được góp lời ca, tiếng đàn tại lễ hội mọi người ai cũng cảm thấy hạnh phúc.
Bà Nguyễn Thị Hảo, người trình diễn giới thiệu quy trình làm bánh Trung thu cổ truyền thuộc gia đình có 5 đời làm bánh Trung thu ở phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) chia sẻ, bà tham gia Lễ hội Háng Pỉnh với mong muốn hướng dẫn và truyền đam mê cho thế hệ sau này biết cách làm bánh Trung thu cổ truyền để gìn giữ lâu dài nét văn hóa đẹp này.
Theo kế hoạch, từ ngày 26 - 29/9 (từ 12 - 15/8 âm lịch), Lễ hội Háng Pỉnh năm 2023 sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như giao lưu hát then, sli, lượn; múa sư tử, võ thuật, trò diễn; tái hiện không gian văn hóa chợ phiên Kỳ Lừa xưa với các gian hàng trưng bày các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống; trải nghiệm làm bánh nướng tại mô hình lò bánh nướng đốt củi...
Anh Tuấn