Phát huy giá trị thương hiệu cộng đồng

Phát huy giá trị thương hiệu cộng đồng
Mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu1B, thị trấn Lộc Thắng của vùng chè Bảo Lâm (Lâm Đồng). Ảnh: Nam Sương
Mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu1B, thị trấn Lộc Thắng của vùng chè Bảo Lâm (Lâm Đồng). Ảnh: Nam Sương

Trung ương và địa phương cùng “chung tay”

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Hành lang pháp lý để thúc đẩy sở hữu trí tuệ phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế cơ bản được hoàn thiện. Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thiện các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ như: Luật Khoa học và Công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ... xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) nhằm thi hành các cam kết theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực xây dựng phương án và trực tiếp tham gia đàm phán, phục vụ ký kết các Hiệp định thương mại song phương và đa phương như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA; Hiệp định Việt Nam - Vương quốc Anh; Hiệp định Việt Nam - Israel,...

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia ký kết và triển khai Quy chế phối hợp với Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên đăng ký, áp dụng sáng chế; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác tài sản trí tuệ; hoàn thiện sản phẩm đưa ra thương mại hóa; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ; xây dựng triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm hỗ trợ cho các thương hiệu cộng đồng, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Liễu, Vụ trưởng Vụ phát triển khoa học và công nghệ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Thời gian qua, thương hiệu cộng đồng đã tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ “danh tiếng”, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ. Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Giang, Sơn La, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Bến Tre...

Đối với sản phẩm, các địa phương đăng ký bảo hộ thương hiệu cộng đồng chủ yếu là cho nông sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, trong đó nông sản chiếm tỷ lệ chủ yếu khoảng hơn 80% với gần 1.100 sản phẩm), còn lại 20% là các sản phẩm khác. Trong cơ cấu nông sản được bảo hộ, đa phần là nông sản tươi sống, sản phẩm thô và nguyên liệu, sản phẩm chế biến sâu còn hạn chế. Nhóm sản phẩm trái cây và rau củ chiếm tỷ lệ lớn nhất với 35%, tiếp đến là nhóm thủy sản và sản phẩm chế biến từ thủy sản với 15%. Nhóm các sản phẩm thịt và sản phẩm chăn nuôi chiếm tỷ lệ thấp với chỉ khoảng 8%, nhóm sản phẩm cây công nghiệp và lâm nghiệp cũng chỉ chiếm 10%, trong khi Việt Nam là một quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển về các sản phẩm cây công nghiệp và lâm nghiệp.

Số lượng thương hiệu cộng đồng tăng nhanh

Thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng thương hiệu cộng đồng được các địa phương tập trung chỉ đạo và có nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản gắn liền với lợi thế về điều kiện địa lý. Thời gian qua, các thương hiệu cộng đồng tăng nhanh về số lượng cũng như sản phẩm.

Theo thống kê, cả nước có 41 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 61 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể và 51 tỉnh, thành phố có sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Đối với nông sản, vùng có số lượng nông sản được bảo hộ nhiều là Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Miền Trung, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là khu vực có số lượng nông sản được bảo hộ thấp nhất. Đa số các sản phẩm nông thôn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đều gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, bao gồm: tên tỉnh, huyện, xã và địa danh khác…

Điển hình như: Hải Phòng đã bảo hộ được 60 sản phẩm, Hà Nội bảo hộ 84 sản phẩm, Tiền Giang với 45 sản phẩm… Tính đến hết năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp gần 1.500 Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông thôn gắn với dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý. Ngoài ra, đã có 1.096 sản phẩm nông sản và 215 sản phẩm nông thôn khác được bảo hộ. Đặc điểm của các sản phẩm được đăng ký bảo hộ là: Các sản phẩm đặc sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống của các địa phương, sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, gắn với thương hiệu cộng đồng ở khu vực nông thôn.

Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Quang Minh ở thị trấn Cao Phong đang vào vụ thu hoạch rộ quả. Ảnh: An Đạt
Vườn cam của gia đình ông Nguyễn Quang Minh ở thị trấn Cao Phong đang vào vụ thu hoạch rộ quả. Ảnh: An Đạt 

Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ đã bước đầu tác động tích cực đến giá trị của sản phẩm như nước mắm Phú Quốc, bưởi Phúc Trạch, cam Cao Phong, cà phê Sơn La, hạt điều Bình Phước, rau an toàn Mộc Châu… Giá bán của các sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng, cụ thể như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, chuối ngự Đại Hoàng tăng 100-130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10-15%, đặc biệt như bưởi Luận Văn giá bán tăng lên 3,5 lần so với trước khi được bảo hộ... Ngoài ra, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu có gắn chỉ dẫn địa lý như: nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn…

Thương hiệu cộng đồng cũng đã giúp các địa phương thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, góp phần hoàn thành các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm…
HL

Có thể bạn quan tâm