Phát huy giá trị Khu di tích và danh thắng núi Mo So với phát triển du lịch bền vững

Tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So với diện tích hơn 136 ha thuộc dãy núi Bãi Voi, ấp Ba Núi, nơi tiếp giáp của thị trấn Kiên Lương, xã Bình Trị và xã Bình An thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

vna_potal_kien_giang_nui_mo_so_-_di_tich_lich_su_va_thang_canh_cap_quoc_gia_7358584.jpg
Hang Quân y núi Mo So, xã Bình An, huyện Kiên Lương. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Mục tiêu của việc quy hoạch này nhằm bảo tồn, tôn tạo khu di tích, khơi dậy và làm tăng giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử trong vùng; đồng thời, tạo khung pháp lý triển khai các dự án thành phần, tiến hành phát triển kinh tế di sản, du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho huyện Kiên Lương nói riêng và tỉnh Kiên Giang nói chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan nhận diện, hoàn chỉnh hồ sơ di tích, đề xuất các phương án, giải pháp bảo tồn di tích và danh thắng phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; tôn vinh các giá trị của di sản thiên nhiên và văn hóa, làm nổi bật sự khác biệt, tính độc nhất, thu hút khách du lịch tới tham quan. Đồng thời, tạo cơ hội cho cộng đồng dân cư cùng tham gia, đảm bảo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cho địa phương; phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So trở thành một khu du lịch tổng hợp kết hợp giữa du lịch văn hóa với du lịch sinh thái, nông thôn, nông nghiệp.

Các ngành chức năng có liên quan thiết lập hệ thống khung pháp lý đầy đủ làm cơ sở chỉ đạo, triển khai các dự án thành phần; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý di sản và các dịch vụ văn hóa, du lịch, tín ngưỡng tôn giáo. Qua đó, thúc đẩy tham gia của cộng đồng, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo cơ hội việc làm, phát triển kinh tế di sản, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế một trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận làm, làm tăng trưởng các ngành kinh tế khác của huyện Kiên Lương và tỉnh Kiên Giang.

vna_potal_kien_giang_nui_mo_so_-_di_tich_lich_su_va_thang_canh_cap_quoc_gia_7358578.jpg
Du khách thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trước cửa hang Quân y núi Mo So, xã Bình An, huyện Kiên Lương. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So quy hoạch với 7 phân khu chức năng, tổ chức theo 2 phân vùng. Đó là phân vùng bảo vệ, bảo tồn di tích gồm: Khu bảo tồn di tích cách mạng núi Mo So, bảo tồn hệ sinh thái núi đá vôi Kiên Lương - Hà Tiên, bảo tàng thực địa, triển lãm giới thiệu về chứng tích, các hoạt động tái hiện lại những hình ảnh của các thời kỳ lịch sử, chiến tranh cách mạng... Khu bảo tồn và phục hồi sinh thái cảnh quan trong khu vực bảo vệ di tích, đảm bảo cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái…

Phân vùng phát huy giá trị di tích, gồm: Khu dịch vụ hỗn hợp, cung cấp các dịch vụ du lịch chuyên đề đô thị trên nước, dịch vụ lưu trú, khách sạn, mua sắm, thương mại, ẩm thực, vui chơi giải trí…Khu dân cư, tái định cư và du lịch cộng đồng, tập trung phát triển du lịch cộng đồng…Khu quản lý, dịch vụ tiếp đón, hướng dẫn du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại, bảo hiểm, y tế… là nơi cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho toàn khu vực quy hoạch.

vna_potal_nui_mo_so_-_di_tich_lich_su_va_thang_canh_cap_quoc_gia_cua_tinh_kien_giang_7358565.jpg
Du khách tham quan hang Quân y núi Mo So, xã Bình An, huyện Kiên Lương. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Dự án Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So thực hiện trong giai đoạn từ năm 2024 - 2030 gồm: Giai đoạn 1 (2024 - 2025), tập trung đầu tư các dự án bảo tồn di tích và tái định cư, các dự án giao thông và hạ tầng kỹ thuật cơ bản. Giai đoạn 2 (2026 - 2027) hoàn tất các dự án đầu tư thuộc Khu bảo tồn di tích cách mạng núi Mo So, khu dân cư, tái định cư và du lịch cộng đồng, khu bảo tồn sinh thái cảnh quan, khu trưng bày và thông tin di sản, các dự án giao thông và hạ tầng kỹ thuật còn lại. Giai đoạn 3 (2028 - 2030) hoàn tất các dự án dịch vụ và hoàn thiện theo chiều sâu, nâng cao chất lượng các dự án trong toàn thể khu quy hoạch.

Vốn đầu tư Dự án Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So thực từ ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn vốn thu từ việc đấu giá các quỹ đất dịch vụ trong phạm vi quy hoạch; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác từ doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình; vốn thu từ khai thác các hoạt động du lịch...

Theo ông Hồ Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện Kiên Lương, ngày 13/2/1995, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Mo So là Di tích lịch sử và thắng cảnh cấp quốc gia. Giá trị di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So là một khu vực di sản hỗn hợp, bao gồm: Di tích lịch sử cách mạng, với giá trị to lớn về lịch sử chống ngoại xâm, từng là căn cứ của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời còn là nơi thành lập Đảng cộng sản Campuchia. Danh thắng nổi tiếng, cảnh quan sơn thủy với bối cảnh cận biển; di sản sinh thái rừng ngập mặn và sinh thái núi đá vôi; di sản địa chất, địa mạo và hang động đặc biệt; di sản quần cư, nơi cư ngụ lâu đời của dân địa phương.

Ông Hồ Văn lực chia sẻ, thời gian tới, tỉnh định hướng sẽ phát huy giá trị di tích lịch sử và danh thắng núi Mo So gắn với phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử cách mạng, làm nổi bật di sản cảnh quan, bảo vệ tính toàn vẹn của di sản địa chất, bảo tồn di sản sinh thái đặc hữu đá vôi Kiên Lương, cùng phát triển các sản phẩm du lịch mang đặc trưng khu di tích và danh thắng./.

Lê Huy Hải

Có thể bạn quan tâm