Cộng đồng người Dao dù ở Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều không quên mình là con cháu Bàn Hồ (Bàn vương). Đó là sợi dây quan trọng nhất để họ gắn bó, coi nhau như anh em một nhà. Một nhóm cộng đồng mang tên “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” ra đời đã kết nối cộng đồng người Dao trên khắp mọi miền đất nước để bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Bài 2: Giải bài toán bảo tồn - phát triển
* Sợi dây bản sắc gắn kết cộng đồng
Truyền thuyết về Bàn Hồ kể về lai lịch, sự hình thành các nhóm Dao và quá trình di cư của người Dao, được nghi thức hóa trong Tết Nhảy (hay múa Rùa) để cúng Bàn Vương. Đây cũng là cách người Dao thể hiện ý niệm về nguồn gốc và lịch sử của dân tộc mình.
Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Trưởng ban Đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam-Gắn kết từ bản sắc” chia sẻ: Thể theo nguyện vọng của rất nhiều anh em người Dao đã ra công tác ở một số nơi, nhất là ở Hà Nội về việc kết nối nên nhóm cộng đồng với tên gọi “Người Dao Việt Nam – Gắn kết từ bản sắc” đã ra đời. Cụm từ “Gắn kết từ bản sắc” của nhóm bắt nguồn từ câu chuyện con cháu của Bàn Hồ. Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng nhấn mạnh, sợi dây bản sắc luôn luôn là quan trọng không chỉ riêng với người Dao mà cả với các dân tộc khác còn giữ được những đặc trưng riêng có của dân tộc mình.
Nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” ra đời ngày 22/12/2019 với 2 sứ mệnh chính là bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển kinh tế trên tinh thần gắn kết, tự nguyện. Toàn bộ tinh hoa của người Dao đều gần như nằm trong nhóm. Nhóm đã tổ chức gặp mặt lớn với sự tham gia của đại biểu người Dao 22 tỉnh, thành phố, xa nhất là Lâm Đồng, Đắk Lắk. Riêng với nhóm Facebook, hiện nay đã có trên 4.000 thành viên tham gia.
Từ khi hoạt động đến nay, nhóm mỗi người một tay một chân đã tích cực thực hiện nhiều việc có ý nghĩa, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn từ người già, người nghèo, người lang thang cơ nhỡ, tạo cơ hội vừa học vừa làm cho các em sinh viên người Dao. Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho hay, việc giúp đỡ đồng bào là hoạt động sự vụ, còn về mặt chiến lược, nhóm xác định đầu tư cho người tinh hoa, tập trung nguồn lực vào đội ngũ doanh nhân, trí thức và sinh viên. Đội ngũ tinh hoa này sẽ tạo động lực và hỗ trợ tích cực nhất cho những người khác nữa. Bản thân Tiến sỹ Bàn Tiến Năng cũng là người tổ chức mô hình bán hàng đặc sản của người Dao nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho đồng bào và tạo việc làm cải thiện đời sống, sinh hoạt cho nhóm sinh viên Dao đang sinh sống, học tập tại Hà Nội.
Trong 2 năm ảnh hưởng COVID-19, các hoạt động của nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” còn chưa được như ý muốn. Hiện toàn thể các thành viên đang mong muốn kết nối lại để sớm tập trung nguồn lực, xã hội hóa, hoàn tất các thủ cần thiết nhằm tổ chức cho được Hội chợ thương mại người Dao lần thứ nhất. Tại Hội chợ này, đồng bào mang theo nhiều sản phẩm của người Dao, kèm theo đó là di sản văn hóa như những đêm nhảy lửa cùng những câu chuyện văn hóa độc đáo, đặc sắc của riêng người Dao.
Nói đến câu chuyện bảo tồn gắn với phát huy các giá trị truyền thống để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Dao, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho rằng, khi nói đến người Dao phải nói đến các phong tục tập quán đặc biệt riêng có, nhất là Lễ cấp sắc, nghề thuốc gia truyền và địa hình cư trú kèm nông sản. Nắm chắc được 3 thứ này, người Dao sẽ có những bước đi vững chắc trong tương lai. Bởi lẽ khi xã hội càng phát triển hiện đại thì những yếu tố truyền thống thuộc về bản sắc rất cần được phát huy trong cộng đồng lớn để tạo nên những giá trị riêng có trong sự đa dạng.
* Hài hòa để không mất đi bản sắc
Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng chia sẻ: Nói đến nghề truyền thống của người Dao là phải nói đến nghề thuốc gia truyền. Tiến sỹ Hà Việt Quân (Ủy ban Dân tộc) trong bài nghiên cứu đăng trên hệ thống tạp chí thế giới đã nói rằng: Nếu trong quá khứ, người Mông là bậc thầy trên núi cao thì người Dao đã từng là thầy thuốc của nhân loại. Từ xa xưa, người Dao đã biết nắm bắt các công dụng, đặc tính của từng loại thảo dược, sau đó họ tìm cách pha trộn với nhau để chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe. Rất nhiều bài thuốc của người Dao lưu truyền từ xưa đến nay vẫn đồng hành cùng y học dân tộc, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân. Đó là cả một kho tri thức khổng lồ mà đồng bào Dao luôn ý thức để gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ.
Chị Triệu Thị Tròn, nhóm Dao Tiền đến từ Phú Thọ cho biết: Người Dao ban đầu làm thuốc để tự cứu lấy mình, sau là chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc khác cùng sinh sống cạnh bản làng. Sau này, người Dao mang những bài thuốc quý đi khắp nơi truyền bá tinh hoa và cũng lấy đó làm nghề mưu sinh.
Tản Viên Sơn hay núi Ba Vì từ lâu đã nổi tiếng với nguồn tài nguyên quý giá và phong phú về động thực vật, nhất là dược liệu quý. Thôn Yên Sơn, xã Ba Vì là nơi có đông đồng bào người Dao sinh sống nên nghề thuốc Nam ở đây đã được Thành phố Hà Nội công nhận là “Làng nghề thuốc Nam”. Từ nhỏ, trẻ em ở đây đã được truyền nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, bắt đầu từ việc nhận diện cây thuốc, phân loại, đóng gói thuốc… Khi lớn lên, mọi người đều biết việc vào rừng tìm cây thuốc, chế biến và bốc thuốc.
Thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) có khí hậu quanh năm mát mẻ, thường được du khách ví là “Sa Pa thứ 2” ở Tây Bắc. Thời gian gần đây, khách du lịch đến Sìn Hồ thường lựa chọn loại hình du lịch homestay để khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Và việc không thể thiếu của du khách là trải nghiệm tắm lá thuốc của trong thùng gỗ, đầy ắp nước thuốc được đồng bào Dao chuẩn bị chu đáo. Nếu đến đây mà chưa tắm lá thuốc thì coi là chưa biết đến Sìn Hồ. Đồng bào dân tộc Dao ở thị trấn Sìn Hồ coi tắm lá thuốc là phương pháp chữa bệnh bằng các loại lá cây rừng. Thùng nước tắm thường có từ 15-20 loại nguyên liệu lá rừng.
Một địa điểm khác làm du lịch homestay rất hiệu quả của người Dao là Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Dăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang). Toàn thôn nằm yên bình trong một thung lũng thơ mộng dưới chân núi Đôi với 60 hộ đồng bào Dao. Những ngôi nhà nơi đây đều là nhà trình tường, mộc mạc, đậm nét văn hóa, kiến trúc của đồng bào dân tộc Dao. Nhờ phát triển du lịch cộng đồng kết hợp trồng cây thuốc quý, đời sống của đồng bào nơi đây không ngừng được nâng cao. Đã có 26/60 hộ gia đình đủ điều kiện làm dịch vụ lưu trú homestay phục vụ trên 300 khách du lịch/ngày đến ăn, nghỉ, khám phá phong cảnh, đời sống sản xuất, đời sống văn hóa, ẩm thực...
Mô hình du lịch homestay kết hợp với trải nghiệm văn hóa người Dao cũng là một cách làm hiệu quả để quảng bá, đưa nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến du khách gần xa. Mô hình người Dao làm du lịch hiện có tại Bình Liêu (Quảng Ninh); Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Hoàng Su Phì, Quản Bạ (Hà Giang), Sìn Hồ (Lai châu), Tả Van, Sa Pa (Lào Cai), Lâm Bình (Tuyên Quang)…
Trở lại với bài toán bảo tồn các giá trị truyền thống gắn với phát huy giá trị, phát triển kinh tế-xã hội sao cho hài hòa để không mất đi bản sắc, Tiến sỹ Bàn Tuấn Năng cho rằng: Đã xác định làm du lịch để phát triển kinh tế thì chắc không thể giữ bếp lửa như ở giữa nhà sàn truyền thống, mà phải có nhà khép kín, đảm bảo các tiêu chuẩn lưu trú theo. Với những yếu tố khác, chúng ta phải chấp nhận tư liệu hóa nó, đây cũng là bài học từ rất nhiều nước đi trước chúng ta. Khi còn khó khăn, người Dao có thể “quên” trang phục truyền thống nhưng khi bắt tay làm du lịch, bán được sản phẩm thì việc mặc trang phục truyền thống với họ lại trở thành thói quen. Bởi vì khi gắn lên mình bộ trang phục truyền thống, họ cũng đã làm được kinh tế, đó cũng là lúc “không bảo mà vẫn tồn”.
Qua đó, có thể thấy rằng, đến thời điểm khi văn hóa trở thành động lực phát triển thì mọi giá trị đặc sắc sẽ được người dân bảo tồn, phát huy một cách tự nhiên và bền vững nhất.
Thanh Giang