Kết quả cho thấy, lý do mà cà phê có thể giúp con người giảm nguy cơ và mức độ hàng loạt bệnh như tim mạch, tiểu đường, bệnh về gan, giảm viêm, giảm béo phì, bảo vệ trí não… có thể nằm trong tác động của nó đối với hệ vi sinh vật đường ruột. Như một số nghiên cứu trước đây đã chứng minh, "thế giới ngầm" trong ruột của bạn có thể là bộ chỉ huy thứ 2 của cơ thể, mà sự ổn định của nó có thể liên quan đến sức khỏe mọi cơ quan trong cơ thể bạn.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu nội soi đại trực tràng của 34 tình nguyện viên và phân tích 97 mẫu sinh thiết đông lạnh mà họ thu thập được. Các tình nguyện viên cũng phải trả lời bảng hỏi xung quanh thói quen uống cà phê của mình. Người tiêu thụ 82,9 mg caffein mỗi ngày được đánh giá là mức tiêu thụ cà phê cao; dưới con số đó là mức tiêu thụ cà phê thấp,
Các phân tích chỉ ra sự khác biệt đáng kể trong ruột của họ: người dùng nhiều cà phê có đông đảo Faecalibacterium, Roseburia và nhiều vi khuẩn có lợi khác trong đường ruột; đồng thời ít sự hiện diện của Erysipelatoclostridium, một vi khuẩn có khả năng gây hại.
Erysipelatoclostridium tuy là một thành phần luôn hiện hữu trong cơ thể người nhưng nếu chúng có quân số đông đảo, nguy cơ bị béo phì của bạn sẽ tăng cao. Erysipelatoclostridium tác động đến sự điều hòa glucose và sự vận chuyển chất béo trong ruột non, vì vậy nó có thể khiến người mang nó quá nhiều dễ mập hơn người khác với cùng một lượng thực phẩm ăn vào.
Trong khi đó, béo phì luôn được coi là một bệnh bao trùm bệnh, tức nó có thể dẫn tới nhiều bệnh khác. Vì vậy có thể nói, bạn nên duy trì thói quen uống cà phê để có đường ruột khỏe mạnh và chống lại các căn bệnh có thể xảy ra do sự mất cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột.
Theo NLĐO/ Medical News Today