Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi

Khu vực thành cổ Châu Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Khu vực thành cổ Châu Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, dấu tích thành cổ Châu Sa do người Chăm tạo dựng cách đây hàng nghìn năm nay vẫn hiện hữu ở xã Tịnh Châu, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Công tác thăm dò khảo cổ đã góp phần giải mã nhiều điều quan trọng.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 1Các nhà nghiên cứu thực hiện thăm dò khảo cổ tại thành nội Thành cổ Châu Sa. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Dấu tích thành cổ

Thành cổ Châu Sa, xã Tịnh Châu cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 7km về phía Đông Bắc. Theo sử sách, thành cổ Châu Sa hay là Amaravati được người Chăm xây dựng bằng đất vào thế kỷ thứ IX. Đây là loại thành Chăm bằng đất duy nhất ngày nay vẫn còn dấu tích. Thành được phát hiện từ năm 1924 khi Nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier tình cờ tìm thấy một bia đá, sau này gọi tên là “Bia đá Châu Sa”. Minh văn khắc trên 4 mặt bia đá thông tin về hai vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875 - 982) là Indravarman II và Yaya Simhavarman cũng như niên đại dựng bia năm là 903. Như vậy, thành Châu Sa tồn tại từ vương triều Indrapura vào cuối thế kỷ thứ thứ IX đến thế kỷ thứ X.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 2Khu vực thành cổ Châu Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Thành Châu Sa có 2 lớp gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội hình chữ nhật (580 x 560m), đắp bằng đất, cạnh dài nằm theo hướng Bắc - Nam. Chiều cao tường thành hiện đo được là 4-6m, chân thành rộng 20-25m, mặt thành rộng 5-8m. Bốn góc thành hiện có bốn ụ đất, có thể là dấu tích của bốn tháp canh. Quanh thành có hào nước rộng 20-25m nối ra dòng sông Trà Khúc phía Nam và ra sông Hàm Giang phía Bắc để xuống cửa biển Sa Kỳ. Cách thành 500m là khu tháp cổ Gò Phố.

Thành ngoại kết hợp giữa các đoạn đào đắp với địa hình tự nhiên, khéo léo tận dụng đồi núi thấp và các sông con, rạch nước, ao đầm vốn chằng chịt trong vùng. Thành ngoại chỉ đắp ba cạnh ở phía Tây, Đông và Bắc, trong đó thành phía Tây và Đông đắp kiên cố, thành phía Bắc chủ yếu dựa vào núi non. Phía Nam nhìn ra sông Trà Khúc, không có bờ thành.

Ông Trần Ngọc Lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Châu cho rằng, các dấu tích thành ngoại hiện không rõ ràng, chỉ còn một số đoạn bờ đất. Ngoài nguyên nhân thời gian, thời tiết còn do con người tận dụng đất để trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến các bờ thành bị bào mòn. Theo ông Trần Ngọc Lâm, cơ quan chức năng đã vẽ lại bản đồ quy hoạch, sắp tới sẽ xác định rõ ranh giới để quản lý di tích. Từ đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ di tích sẽ thuận lợi hơn.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 3Bia Di tích lịch sử Thành cổ Châu Sa. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Theo các nhà khảo cổ học, thành Châu Sa là tòa thành đất có quy mô lớn và còn nguyên vẹn nhất so với thành Chămpa khác ở miền Trung Việt Nam. Di tích thành Châu Sa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1994.

Phát hiện nhiều điều thú vị từ khảo cổ

Năm 1998, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành đào thăm dò tại tháp Gò Phố ở nội thành Châu Sa. Năm 2000, Viện Khảo cổ học khai quật lò gốm của người Việt, ở xã Tịnh Thiện. Gần đây nhất năm 2006, các nhà khảo cổ đã thăm dò tại thành cổ Châu Sa và phát hiện dấu tích lò nung gốm, sản xuất vật liệu kiến trúc của các đền tháp, đồ gốm... Đồng thời, các nhà khảo cổ phát hiện chân bờ thành Châu Sa những vết tích kiến trúc, các cửa thành và đồ gốm liên quan trong thành. Như vậy, qua các lần thăm dò, khai quật khảo cổ, thành cổ Châu Sa còn nhiều điều bí ẩn nằm sâu trong lòng đất.

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BVHTTDL cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tiến hành thăm dò khảo cổ tại khu vực nội thành di tích thành Châu Sa. Thời gian thăm dò từ ngày 12/9 - 12/10/2022, do Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, chủ trì thực hiện.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 4Một số hiện vật thăm dò khảo cổ thu được. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Đoàn công tác đã thăm dò 3 hố ở nội thành, mỗi hố rộng 5m2. “Qua thăm dò, chúng tôi tìm thấy tại hai hố có lò nung - nơi sản xuất ngói ngoài trời. Điều này đã chứng minh có một kiểu nhà nước cổ đại có sự tập trung về nhân lực để sản xuất những vật dụng kiến trúc, đồ gốm được hình thành từ rất sớm. Với dạng lò nung này chúng tôi giữ nguyên, làm mái che để bảo quản tại chỗ, sau đó, xin cơ quan chức năng tiếp tục khai quật quy mô lớn với hy vọng bảo tồn nguyên vết tích lò nhằm phục vụ tham quan, du lịch”, ông Đoàn Ngọc Khôi cho hay.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 5Hào nước tại Thành cổ Châu Sa vẫn tồn tại từ hàng ngàn năm. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Ngoài ra, còn một hố tìm thấy dấu tích cư trú và yếu tố thương mại của thành Châu Sa. Qua đó, khẳng định vai trò của thành Châu Sa trong việc kết nối với tuyến hải thương trên biển và trong phát triển kinh tế của khu vực.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 6Cận cảnh bờ thành được đắp bằng đất sét pha sỏi đá ong. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 7Cận cảnh lò nung – nơi sản xuất ngói ngoài trời tại di tích Thành cổ Châu Sa. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Ông Đoàn Ngọc Khôi cho rằng, các thuyền buôn sẽ đi theo cửa biển cửa Đại và cửa biển Sa Kỳ đi vào thành Châu Sa giao thương. Đồng thời, thành Châu Sa nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc - sông chính của Quảng Ngãi, nối với thượng nguồn Tây Nguyên. Do đó, các sản vật từ Tây Nguyên có thể theo sông Trà Khúc vào thành Châu Sa để đi giao thương bằng đường biển.

Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 8Một mảnh gạch thăm dò khảo cổ thu được tại di tích Thành cổ Châu Sa. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Phát hiện thêm nhiều vết tích tại thành cổ Châu Sa, Quảng Ngãi ảnh 9Một phần mảnh ngói thăm dò khảo cổ thu được tại di tích Thành cổ Châu Sa. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Qua sử liệu cũng như phát hiện trong những lần thăm dò, khai quật khảo cổ cho thấy, thành Châu Sa có giá trị, vai trò quan trọng cả trong giai đoạn Chămpa và Đại Việt. Do đó, để làm rõ những hiện vật còn chìm trong lòng đất, hiểu rõ các giai đoạn lịch sử ở Quảng Ngãi cũng như giá trị văn hóa đích thực của thành Châu Sa cần tiếp tục thăm dò, khai quật khảo cổ. Từ đó, các bên liên quan có phương án bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thu hút khách tham quan, tạo sinh kế cho người dân và để cộng đồng chung tay bảo vệ di sản, ông Đoàn Ngọc Khôi nhấn mạnh.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm