Phát hiện hơn 3.600 hóa chất đóng gói thực phẩm trong cơ thể con người

Phát hiện hơn 3.600 hóa chất đóng gói thực phẩm trong cơ thể con người

Một nghiên cứu mới đã phát hiện hơn 3.600 hóa chất liên quan đến đóng gói và chế biến thực phẩm trong cơ thể con người. Một số trong số các hóa chất này có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, trong khi tác động của nhiều hóa chất khác vẫn chưa được biết rõ.

Một nghiên cứu mới đã phát hiện hơn 3.600 hóa chất liên quan đến đóng gói và chế biến thực phẩm trong cơ thể con người. Một số trong số các hóa chất này có thể gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe, trong khi tác động của nhiều hóa chất khác vẫn chưa được biết rõ.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Phơi nhiễm và Dịch tễ học Môi trường ngày 17/9, nhà khoa học Birgit Geueke thuộc Diễn đàn bao bì thực phẩm (Food Packaging Forum Foundation - Thụy Sĩ) cùng các cộng sự đã tìm thấy trong cơ thể con người nói chung khoảng 100 hóa chất có mức độ "quan ngại cao" đối với sức khỏe, trong đó có những loại đã được chứng minh gây hại tới sức khỏe như PFAS và bisphenol A (BPA). PFAS, còn được gọi là "hóa chất vĩnh cửu", vốn đã xuất hiện nhiều trong cơ thể con người những năm gần đây và liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn tất việc cấm sử dụng PFAS trong bao bì thực phẩm và cũng đề xuất cấm BPA từ cuối năm nay. Trong khi đó, bisphenol A là hóa chất gây rối loạn nội tiết và đã bị cấm trong các sản phẩm bình sữa cho trẻ em ở nhiều quốc gia. Một hóa chất khác là phthalates có thể gây rối loạn hormone và dẫn đến vô sinh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện oligomers - sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhựa - trong cơ thể con người. Tuy nhiên, tác động của chúng đối với sức khỏe còn chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Bà Geueke cho biết: “Chúng ta biết rất ít về tác động của nhiều hóa chất khác trong danh sách. Cần có thêm nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách các hóa chất này xâm nhập cơ thể thông qua thực phẩm”.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã lập danh sách khoảng 14.000 hóa chất tiếp xúc với thực phẩm (FCC), có khả năng "di chuyển" từ bao bì làm bằng nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại hoặc các vật liệu khác vào thực phẩm. Chúng cũng có thể đến từ các bộ phận khác trong quá trình chế biến thực phẩm, như băng chuyền hay dụng cụ nhà bếp. Kết quả đã gây bất ngờ khi phát hiện 3.601 hóa chất – tương đương 1/4 tổng số FCCs đã biết, trong cơ sở dữ liệu giám sát sinh học. Bà Geueke nhấn mạnh rằng nghiên cứu không thể khẳng định tất cả các hóa chất này đều đến từ bao bì thực phẩm, vì có thể có nhiều nguồn tiếp xúc khác.

Bà Geueke cảnh báo rằng việc tiếp xúc liên tục với bao bì thực phẩm có thể gây hại, đặc biệt khi thực phẩm được làm nóng trong bao bì. Bà khuyến cáo mọi người nên giảm thời gian tiếp xúc với bao bì và tránh hâm nóng thực phẩm trong bao bì.

Ông Duane Mellor - chuyên gia về y học dựa trên bằng chứng tại trường Đại học Aston (Vương quốc Anh) - đã đánh giá cao sự chi tiết và toàn diện của nghiên cứu này. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nghiên cứu không đề cập đến lượng hóa chất mà con người tiếp xúc và các nguồn hóa chất khác trong môi trường.

Ông nêu rõ: “Thay vì hoang mang, chúng ta nên yêu cầu dữ liệu rõ ràng hơn và giảm thiểu tiếp xúc không cần thiết với các hóa chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe”.

Thanh Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm