Phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng trước ngày 27/7

Phấn đấu giải quyết cơ bản hồ sơ người có công với cách mạng còn tồn đọng trước ngày 27/7
Các địa phương cần giải quyết cơ bản hồ sơ người có công với cách mạng gồm liệt sỹ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh đang tồn đọng trước ngày 27/7/2017. Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Hội nghị Công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng khu vực phía Nam, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/2.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương cần vận dụng khéo léo các khoản, mục trong quy định và xử lý một cách linh hoạt trong từng trường hợp, từng địa phương cụ thể. Đồng thời, phải công khai, minh bạch, đảm bảo tính khách quan và tham khảo ý kiến của nhân dân.     
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức cơ sở đoàn thuộc Cụm Đoàn khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam tổ chức dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Bình Tân nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm 2016. Ảnh: Mạnh Linh.
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức cơ sở đoàn thuộc Cụm Đoàn khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam tổ chức dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Bình Tân nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm 2016. Ảnh: Mạnh Linh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương không được để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thanh, kiểm tra đột xuất từng hồ sơ; cá nhân, địa phương nào sai phạm, có dấu hiệu trục lợi chính sách phải xử lý nghiêm, nếu vi phạm nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.     

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhận định, việc xem xét, xác nhận người có công với cách mạng có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mang lại cho người có công và gia đình người có công niềm động viên lớn sau nhiều năm mong mỏi, chờ đợi, thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người đã có quá trình hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.         
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức cơ sở đoàn thuộc Cụm Đoàn khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam tổ chức thăm hỏi người có công với Cách Mạng nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm 2016. Ảnh: Mạnh Linh.
Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức cơ sở đoàn thuộc Cụm Đoàn khối các Cơ quan Trung ương khu vực phía Nam tổ chức thăm hỏi người có công với Cách Mạng nhân Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm 2016. Ảnh: Mạnh Linh.

Theo ông Huỳnh Văn Tí - Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng của Trung ương cho biết, cả nước hiện còn 4.484 hồ sơ tồn đọng, chưa được giải quyết; trong đó có 1.872 hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, 2.612 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh. Trước tình hình đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trương thí điểm việc triển khai, xem xét, xác nhận người có công với cách mạng theo một quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ tại 5 tỉnh, thành trên cả nước gồm Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An. Sau khi rà soát, các địa phương này đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng bao gồm 75 liệt sỹ và 11 thương binh.     

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đa phần những hồ sơ tồn đọng là hồ sơ khó giải quyết, thiếu nhân chứng, thiếu giấy tờ hợp lệ…. Ông Lê Tấn Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An cho biết, có những trường hợp mặc dù sinh ra và lớn lên ở Long An nhưng đi hoạt động cách mạng và thoát ly, không thể nào xác minh được. Hay các trường hợp mất hết giấy tờ, di chuyển chỗ ở, những người chứng kiến không còn sống để làm chứng...
 Đinh Hằng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm