![]() |
Phụ nữ Hrê vỗ ống vinh-vút trong dịp lễ tết. |
Bà Phạm Thị Huyền ở xã Ba Vinh (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) là một trong số ít những nghệ nhân biết cách làm và chơi loại nhạc cụ này. Theo nghệ nhân Phạm Thị Huyền, ngày xưa ống vinh-vút rất được bà con người Hrê ở đây ưa chuộng, trong các dịp lễ hội, cúng bái đều được bà con mang ra vỗ, nhất là trong dịp Tết. Vỗ ống vinh-vút phải có 3 hoặc 4 người, trong đó 1 hoặc 2 người giữ ống, 1 người vỗ và 1 người chặn hơi. Người vỗ và người chặn hơi phải có sự kết hợp hài hòa, như vậy âm thanh của "bản nhạc" vinh-vút mới hay. Bà con người Hrê ở huyện Ba Tơ có rất nhiều điệu vỗ ống vinh-vút như điệu “vái-mang”, điệu “pý-mang”, điệu “ching-htùm”…
Nghệ nhân Phạm Thị Huyền, cho biết: “Ống vinh-vút của người Hrê ra đời lâu lắm, từ thời cha ông đã có. Bà con ở đây rất yêu thích vỗ ống vinh-vút, trong các dịp như đâm trâu, đám cưới... Bây giờ bà con vẫn thích vỗ ống vinh-vút trong dịp tết đến, ngày hội đại đoàn kết của khu dân cư. Bà con cùng nhau vỗ ống vinh-vút, nhảy sạp rất vui”.
Tuy nhiên, vinh-vút của người Hrê ở Ba Tơ cũng đang đứng trước sự mai một, thất truyền. Huyện Ba Tơ đã có nhiều nỗ lực trong việc khơi dậy và bảo tồn loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Hrê. Trong đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa, các loại nhạc cụ truyền thống; khuyến khích các nghệ nhân tìm tòi, phục chế và sử dụng những loại nhạc cụ có nguy cơ mai một, thất truyền như ống vinh-vút. đồng thời, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ nhằm khơi dậy tinh thần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Không riêng gì ống vinh-vút, mà còn có không ít loại hình văn hóa dân gian của đồng bào người Hrê đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu không có sự tìm tòi, phát hiện, khơi dậy, tích cực bảo tồn thì rất dễ rơi vào lãng quên. Do đó cần có sự chung tay gìn giữ, phát huy và bảo tồn của cộng đồng, để các loại hình văn hóa dân gian mãi được lưu truyền.