Quyết định này bị các trường ĐH có đào tạo CĐ phản ứng khá mạnh mẽ, tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thực tế việc đào tạo CĐ tại các trường ĐH không đạt hiệu quả cao, thì quyết định này là hoàn toàn phù hợp.
Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ sinh viên hệ CĐ của các trường ĐH có việc làm khá thấp, bên cạnh đó, những lao động tốt nghiệp CĐ của các trường ĐH cũng có trình độ và khả năng đáp ứng yêu cầu công việc yếu hơn những lao động được đào tạo từ những trường CĐ.
|
Theo ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội, năm 2014, trường có tổng số 3.732 sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ chính quy. Sau một năm ra trường, có 82% sinh viên có việc làm, còn 18% là sinh viên bị thất nghiệp. Với con số thống kê này, hệ CĐ của trường ĐH Công nghiệp đã thực sự có hiệu quả.
Tuy nhiên, không phải trường ĐH có đào tạo CĐ nào cũng đạt được hiệu quả cao như vậy. Đại diện trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trường có 2.328 sinh viên hệ CĐ chính quy tốt nghiệp năm 2013; sau hai năm ra trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm ở hệ này khá ít ỏi, dưới 50%. Còn lại đều đang học liên thông lên ĐH vì cho rằng với tấm bằng ĐH sẽ dễ kiếm được việc làm hơn.
Ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD - ĐT: Bộ GD - ĐT nhận thấy thực tế, nhiều trường ĐH đã lấy chương trình đào tạo ĐH của trường mình cắt xén đi để đào tạo hệ CĐ, TCCN. Điều này không hợp lý và phản khoa học. Chính điều này đã khiến cho chất lượng đào tạo bậc học CĐ, TCCN trong trường ĐH không hiệu quả. PGS TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã dừng việc đào tạo bậc cao đẳng trong trường ĐH từ 2-3 năm nay. Việc dừng này sẽ giúp trường tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ cho đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực tế cho thấy, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ra trường có việc làm ngay và làm đúng với chuyên môn đã được xã hội công nhận. Mỗi trường có một sứ mệnh riêng và việc tập trung đào tạo những cử nhân thực sự có chất lượng là công việc đã được nhà trường xác định rõ mục tiêu. |
Trong khi đó, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở hệ CĐ các trường nghề như: CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ Điện tử Điện lạnh Hà Nội, CĐ thực hành FPT, khá cao.
Theo PGS Dương Đức Hồng, Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội, mỗi năm trường tuyển khoảng 2.000 chỉ tiêu, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt gần 90% và tạo được uy tín nhất định trong giới nghề nghiệp. “Sinh viên vào học trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội được định hướng nghề nghiệp ngay từ khi vào học, được thực tập và giới thiệu việc làm tại các nhà máy đóng trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận, chính vì vậy hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ngay.
Tương tự, những sinh viên tốt nghiệp CĐ Du lịch Hà Nội, CĐ Điện tử Điện lạnh rất dễ dàng tìm được việc làm ở các khu công nghiệp, nhà máy, nhà hàng, các hãng điện tử. Theo lãnh đạo của những trường này, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng luôn cần những nhân lực làm được việc và có tay nghề cao. Trường CĐ được định hướng như trường thực hành, do đó, ngay từ trong trường nhiều sinh viên đã có thể đáp ứng được công việc, có việc làm và có thu nhập tốt hơn và ra trường là dễ dàng được doanh nghiệp nhận vào làm ngay.
“Sau một năm ra trường, sinh viên tốt nghiệp các trường CĐ nghề có việc làm đạt tỷ lệ trên 80%. Điều này trái ngược hẳn với tình trạng thất nghiệp của những sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ các trường ĐH. Cũng dễ hiểu thôi vì các trường CĐ đào tạo chuyên về nghề nên chất lượng đầu ra của những lao động nghề cao hơn, khác với các trường ĐH là chú trọng vào việc đào tạo hệ ĐH, nên hệ CĐ chỉ là phụ, ít được chú trọng. Cũng có một thực tế là sinh viên các trường ĐH có đào tạo hệ CĐ thường có tâm lý vào học CĐ để học liên thông lên ĐH, không chuyên chú vào học tập, dẫn tới chất lượng đầu ra không cao”, một chuyên gia giáo dục cho biết.
Đồng tình với đánh giá này, PGS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông khẳng định, những trường CĐ đào tạo hệ CĐ chắc chắn là “chuyên nghiệp” hơn việc chỉ đào tạo thêm hệ CĐ của các trường ĐH, vì vậy nên chăng trường nào thì nên đào tạo đúng loại hình đó, tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo của mình, thay vì mở rộng các hệ đào tạo, mà hệ nào cuối cùng cũng “không nên cơm, nên cháo”.
Thông tư 32 của Bộ GD- ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2016. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo CĐ mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo CĐ ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020. Các trường ĐH đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017. |
Báo Tin Tức