Suối Bu là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Xã có 5 dân tộc sinh sống là Mông, Kinh, Tày, Thái, Gia Rai, trong đó dân tộc Mông chiếm 75% dân số.
Trong quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo, Đảng bộ xã Suối Bu luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, từ đó đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đảng bộ xã xác định rõ, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế trước hết phải củng cố và xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh từ cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng bộ xã Suối Bu đã triển khai là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển sản xuất. Đảng bộ xã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về phát triển kinh tế, tìm kiếm các mô hình sản xuất mới, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Các hội, đoàn thể của xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tạo điều kiện cho các hộ vay vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, từ đó tăng thu nhập. Trong đó, Hội Phụ nữ xã, Hội Nông dân xã, Hội Cựu Chiến binh xã và Đoàn Thanh niên xã duy trì ký ủy thác với Ngân hàng CSXH cho 6 tổ vay vốn và có 310 hộ được vay. Tổng dư nợ NHNN huyện Văn Chấn là hơn 3,7 tỷ đồng cho 24 hộ vay.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, cơ cấu kinh tế của xã Suối Bu được chuyển dịch đúng hướng. Suối Bu chú trọng phát triển các mô hình kinh tế gắn với đặc điểm và thế mạnh địa phương. Đặc biệt, xã triển khai nhiều dự án phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái nhằm khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên của vùng đất này.
Một trong những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu tại Suối Bu là trồng măng bát độ, loại cây đang dần trở thành cây trồng mũi nhọn của xã. Nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ của Đảng ủy xã và các tổ chức đoàn thể, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích đất nương rẫy sang trồng măng bát độ, không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp bảo vệ đất đai, chống xói mòn và cải thiện chất lượng môi trường.
Trước đây, sau khi thu hoạch xong vụ mùa, những thửa ruộng thường bị bỏ hoang trong mùa đông. Đảng ủy xã đã chủ trương vận động người dân cải tạo đất để trồng rau sạch trong vụ đông. Việc này không chỉ giúp tăng thêm thu nhập mà còn tạo ra nguồn thực phẩm an toàn. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà con đã tham gia trồng các loại rau xanh, giúp kinh tế gia đình được cải thiện. Bà Vàng Thị Lâu ở thôn Ba Cầu cho biết: Đây là năm đầu tiên người Mông chúng tôi trồng giống rau cải Đông Dư vào vụ đông, đồng ruộng không còn bị bỏ hoang phí, những luống rau hợp khí hậu phát triển ngày một xanh tốt, gia đình có thêm thu nhập để không còn lo đói, dần dần tích lũy để làm giàu.
Cùng với đó, xã cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là bò, giúp tăng nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Một hướng đi quan trọng nữa là phát triển du lịch sinh thái. Suối Bu có tiềm năng du lịch lớn với những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ. Đảng bộ xã đã chỉ đạo các đoàn thể địa phương như Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, phối hợp tổ chức các tour du lịch cộng đồng, giúp người dân vừa bảo tồn, gìn giữ văn hóa, vừa có thêm thu nhập từ hoạt động dịch vụ du lịch.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế xã Suối Bu được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 21,43%; xã đã đạt 10 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ xã có 9 chi bộ với 155 đảng viên luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đảng viên.
Bà Hà Thị Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu chia sẻ: Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định trên các mặt chính trị, xã hội nhưng so với tiềm năng, lợi thế hiện có, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân xã Suối Bu cần có tinh thần khẩn trương, quyết liệt, thích ứng nhanh hơn nữa với tình hình thực tế. Suối Bu cần tăng cường công tác đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ cho người dân, giúp họ nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Xã sẽ tiếp tục mở rộng các chương trình hỗ trợ vốn cho hộ nghèo, tạo điều kiện để người dân có thể tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế.
Những ngày Tết đến, Xuân về, người dân xã Suối Bu trở nên vui hơn với cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đã giúp Suối Bu vượt qua khó khăn, từng bước phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững, Suối Bu cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo và không ngừng củng cố tổ chức Đảng, phát huy vai trò của Đảng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hoàng Tâm