Nuôi vịt Mavin giúp cải thiện cuộc sống người dân xã Luận Khê

Trước tháng 3/2022, cuộc sống của người dân xã Luận Khê (Thường Xuân, Thanh Hóa) chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp, thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi kể từ khi Dự án chăn nuôi vịt Mavin được triển khai trong những tháng đầu năm 2022 tại xã. Giống vịt Mavin có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với những giống vịt khác được ví như ngọn lửa đã giúp làm ấm lên cuộc sống của người dân nơi đây.

01. Nong dan vui mung nhan con giong va chuyen giao ky thuat tu Mavin va World Vision.png
Nông dân huyện Thường Xuân vui mừng nhận con giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi từ Tập đoàn Mavin và Tổ chức World Vision International tại Việt Nam. Ảnh: World Vision

Luận Khê là một xã miền núi đặc biệt khó khăn nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng giao thông yếu kém. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Thái. Đời sống người dân nơi đây có thu nhập chủ yếu từ nguồn nông lâm sản tự cung tự cấp. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vào loại cao của huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 3/2022, xã Luận Khê được mời tham gia triển khai mô hình chăn nuôi vịt theo chuỗi giá trị do Tập đoàn Mavin và Tổ chức World Vision International tại Việt Nam tài trợ. Chăn nuôi vịt không phổ biến ở địa bàn xã và giống vịt mới lại không quen thuộc với người dân đã dẫn đến rất nhiều khó khăn bỡ ngỡ khi người dân tham gia Dự án.

02. người dân huyện Thường Xuân ngày càng gắn bó và tin tưởng giống vịt Mavin.png
Từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, người dân huyện Thường Xuân ngày càng gắn bó và tin tưởng giống vịt Mavin. Ảnh: World Vision

Các cán bộ kỹ thuật của Tổ chức World Vision International tại Việt Nam và Tập đoàn Mavin đồng hành cùng người dân từ những giai đoạn đầu tiên trong việc khảo sát thực địa, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, thăm hỏi tư vấn trực tiếp. Ban đầu, người dân còn bối rối khi tham gia dự án. Tuy nhiên, thông qua sự tận tình hỗ trợ người dân của các cán bộ mà mỗi hộ đã hiểu và nâng cao khả năng chăn nuôi vịt Mavin tại địa phương. Người nông dân đã dần thành thạo với các quy trình khó như xây chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, úm vịt…

Giống vịt Mavin có thời gian sinh trưởng ngắn (45 ngày có thể xuất bán), tỷ lệ nạc đạt tới 75%, nuôi không cần có ao, thương lái cũng trả giá tốt hơn và tạo điều kiện thu mua tại xã. Đây là những ưu điểm vượt trội hơn hẳn của giống vịt Mavin so với những con giống gia cầm hiện có trên địa bàn xã Luận Khê nói riêng và huyện Thường Xuân nói chung.

03. Các hộ gia đình có thu nhập cải thiện qua từng năm..png
Các hộ gia đình có thu nhập cải thiện qua từng năm. Ảnh: World Vision

Sau 3 năm tham gia dự án nuôi vịt Mavin, người dân đã dần quen với mô hình chăn nuôi mới và ngày càng tự tin trong việc chăn nuôi giống vịt Mavin. Cuộc sống của gần 400 hộ gia đình nghèo, cận nghèo đã được cải thiện đáng kể không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt an sinh của mỗi hộ gia đình. Sau mỗi mùa chăn nuôi, người dân cùng nhau tổng kết và đúc rút kinh nghiệm cho các vụ mùa sau, nhờ đó đã giúp thu nhập cải thiện qua từng năm.

Nhờ tham gia mô hình này, rất nhiều hộ gia đình của xã Luận Khê đã có thu nhập ổn định (3,7 triệu đồng/lứa vịt, chăn nuôi sau 45 ngày). Người dân đã tiết kiệm tiền mua được đồ dùng có giá trị như xe máy, tivi và đặc biệt là có điều kiện chăm lo đầy đủ dinh dưỡng và học tập cho con em của mình.

04. Nhan vien World Vision ho tro ba con tai dia ban voi ky thuat cham soc kip thoi va thuong xuyen.png
Các hộ gia đình có điều kiện chăm lo đầy đủ dinh dưỡng và học tập cho con em. Ảnh: World Vision

Theo ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, Tập đoàn Mavin vô cùng tự hào được tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức World Vision International tại Việt Nam để tạo ra tác động tích cực đến các cộng đồng địa phương. “Thông qua việc hỗ trợ cải thiện sinh kế, chúng tôi cũng đồng thời nâng cao năng lực chăn nuôi cho người dân địa phương, giúp họ hiểu rõ hơn về kĩ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và tiếp cận mô hình kinh doanh chặt chẽ theo Chuỗi Giá trị", ông David nhấn mạnh.

“Chương trình Hợp tác Thúc đẩy Chăn nuôi theo Chuỗi Giá trị là minh chứng cho cam kết theo đuổi một nền nông nghiệp xanh của World Vision International tại Việt Nam, Tập đoàn Mavin, chính quyền địa phương và cộng đồng, thông qua việc chăn nuôi an toàn sinh học và chất lượng cao. Về lâu dài, điều này sẽ giúp cộng đồng hưởng lợi xây dựng thương hiệu và uy tín trong lĩnh vực chăn nuôi vịt với các thương lái và người mua, đóng góp vào tính bền vững của Chương trình", ông Phạm Văn Vinh, Quản lý Chương trình Sinh kế, World Vision International tại Việt Nam chia sẻ.

Từ hiệu quả của Dự án chăn nuôi vịt Mavin tại xã Luận Khê, xã Tân Thành của huyện Thường Xuân cũng đã lên kế hoạch triển khai chăn nuôi vịt Mavin cho 80 hộ nghèo, cận nghèo. Với mong ước đem lại một cuộc sống trọn vẹn ý nghĩa cho mọi trẻ em và những tấm lòng thiện chí để khiến ước mong đó thành hiện thực, chính quyền địa phương và người dân tại huyện Thường Xuân đang phấn khởi, tin tưởng các cán bộ của Tổ chức World Vision International tại Việt Nam và Tập đoàn Mavin nhằm phối hợp để lan tỏa rộng rãi mô hình sinh kế này, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho 1.000 hộ gia đình của Thường Xuân.

PT

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm