Trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) từ ngày 30/11 đến ngày 11/12, sáng chủ nhật ngày 8/11, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius – Chủ tịch Hội nghị COP21, cùng bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và đại diện nhiều phái đoàn dự Hội nghị cấp bộ trưởng về biến đổi khí hậu đã đi thăm khu tổ chức Hội nghị COP21 tại Le Bourget, cách trung tâm Paris 20km về phía Bắc. Paris-Le Bourget từng là sân bay chính của Paris cho đến khi mở cửa sân bay Orly vào năm 1952. Đây là nơi diễn ra nhiều triển lãm công nghiệp và thương mại quốc tế, trong đó đặc biệt nổi tiếng là Triển lãm hàng không Paris (Paris Air Show) diễn ra hai năm một lần.
|
Tổng diện tích dành cho Hội nghị COP21 lên đến 18 ha và được chia thành ba khu: Trung tâm Hội nghị, Không gian "Các thế hệ khí hậu" và Gian trưng bày. Có thể nói Trung tâm Hội nghị là trái tim của COP21 và chỉ dành riêng cho các quan chức và đại biểu thuộc thành phần các phái đoàn chính thức đăng ký tham dự hội nghị. Đây thực sự là một thành phố thu nhỏ, vận hành hối hả 24h/24 trong suốt thời gian diễn ra COP21. Nằm kế bên Trung tâm Hội nghị là Không gian "Các thế hệ khí hậu". "Thế hệ khí hậu" là cách nói ẩn dụ về những thế hệ hành động một cách có trách nhiệm, hướng đến tương lai của hành tinh Trái đất. Không gian này mở cửa đón tiếp rộng rãi công chúng cũng như thành viên chính thức các phái đoàn. Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc trao đổi, tranh luận về các quan điểm khoa học, trình bày các ý tưởng, các giải pháp đồng thời cũng là nơi gặp gỡ và trò chuyện cho tất cả mọi người. Gian trưng bày là nơi cung cấp một cái nhìn tổng quan về các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Khu vực này dành riêng cho các chuyên gia là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế-xã hội, các viện nghiên cứu - những tác nhân có nhiệm vụ đề xuất với Nhà nước các giải pháp từ việc xây dựng chiến lược, chính sách cho đến những chương trình hành động cụ thể nhằm giúp các quốc gia vượt qua thách thức, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách dài hạn và bền vững. Ngoài ra, một trung tâm báo chí với các trang thiết bị hiện đại cũng đã được bố trí nhằm hỗ trợ tối đa 3.000 phóng viên tác nghiệp, giúp các phóng viên cập nhật thông tin về hội nghị một cách nhanh nhất. Trang web chính phủ Pháp cho biết nước này đã chi khoảng 170 triệu euro để chuẩn bị các điều kiện vật chất và hậu cần nhằm đón tiếp khoảng 40.000 đại biểu và du khách trong điều kiện tối ưu, đảm bảo để các phiên họp, các buổi trao đổi, làm việc diễn ra một cách tốt nhất có thể trên cơ sở tôn trọng các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái.
Công nhân lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong hội trường chính.
|
Ông Pierre-Henri Guignard, Tổng Thư ký Hội nghị COP21, tiết lộ hội trường chính nơi diễn ra phiên họp toàn thể của 1.900 đại biểu đến từ 195 nước và Liên minh châu Âu (EU), được dựng hoàn toàn bằng gỗ. Các khung gỗ khổng lồ đã được đưa về đây để lắp ráp từ hơn một tháng qua. Sau hội nghị COP21, toàn bộ khu nhà sẽ được tháo dỡ để được tái sử dụng vì những mục đích tương tự tại Paris hoặc Bonn (Đức), tại địa điểm gần trụ sở tòa nhà Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu. Vào thời điểm còn cách ngày khai mạc COP21 ba tuần, công việc lắp ráp đang vào giai đoạn cuối và sẽ sớm được hoàn thành để phía Pháp có thể trao chìa khóa cho các nhân viên của LHQ trong thời gian diễn ra hội nghị. Để sưởi ấm hội trường, ban tổ chức đã quyết định sử dụng khí gas thay vì dùng dầu, sử dụng 200 ô tô điện và cung cấp 20.000 thẻ Navigo cho các đại biểu để họ có thể sử dụng miễn phí phương tiện công cộng khi đến khu hội nghị Le Bourget. Ngoài ra, toàn bộ các rác thải trong khu vực đều được thu hồi để tái chế. Theo ông Pierre-Henri Guignard, công việc lắp đặt, vận hành toàn bộ khu vực hội nghị tại Le Bourget được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt và quy định chặt chẽ về bảo vệ sinh thái là cách mà nước Pháp muốn chứng tỏ cam kết của mình trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu.
|
Nhằm đảm bảo an ninh cho Hội nghị COP21, trong vòng một tháng, từ 13/11 đến 13/12, Pháp sẽ tái lập kiểm soát biên giới tại các sân bay, nhà ga, bến cảng, ngay trong không gian Schengen. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết việc làm này là cần thiết vì lý do an ninh đối với một sự kiện trọng đại quy tụ đại diện của gần 200 quốc gia trong đó có khoảng 80 nguyên thủ quốc gia có mặt tại Paris trong ngày khai mạc. Trên thực tế, Pháp đối mặt với nguy cơ khủng bố cao chưa từng có kể từ vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo hồi đầu năm 2015. Ngoài ra, kinh nghiệm cho thấy, vào mỗi lần Pháp tổ chức các hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh NATO, G8, G20…, luôn diễn ra các cuộc biểu tình mang tính bạo lực tại các khu vực công cộng, nơi tập trung đông người. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo cho hội nghị COP21 diễn ra suôn sẻ, chính phủ Pháp đã huy động hàng nghìn cảnh sát từ nhiều địa phương trên toàn quốc về tăng cường cho lực lượng cảnh sát tại Paris và vùng Ile-de-France.