Nước mắt có thành phần hóa chất tác động đến hành vi

Nước mắt có thành phần hóa chất tác động đến hành vi

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Weizmann (Israel), nước mắt con người có chứa chất hóa học làm giảm hoạt động của phần não bộ liên quan đến hành vi hung hăng.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học PLOS Biology của Mỹ ngày 21/12, nhóm các nhà khoa học do Tiến sĩ Shani Agron dẫn đầu, đã tiến hành thí nghiệm đối với 25 tình nguyện viên nam giới, cho họ hít/ngửi mẫu nước mắt do xúc động và mẫu nước muối. Cả hai mẫu đều ở dạng trong suốt và không mùi nên không phân biệt được.

Tiếp đến, nhóm nghiên cứu đề nghị các tình nguyện viên chơi trò chơi điện tử từng được sử dụng và hoàn thiện qua các nghiên cứu trước đó về hành vi gây gổ. Trò chơi lấy bối cảnh một nhân vật hư cấu có thể đánh cắp số tiền tiết kiệm của người chơi để tích lũy tiền cho mình. Ngược lại, người chơi là các tình nguyện viên có cơ hội trả thù khiến nhân vật hư cấu này bị mất dần số tiền trên song bản thân không được lợi gì từ hành động này. Kết quả cho thấy hành vi tìm cách trả thù khi chơi trò chơi đã giảm 43,7% sau khi tiếp xúc với mẫu nước mắt do xúc động.

Kết quả trên phản ánh những gì giới nghiên cứu đã quan sát được ở loài gặm nhấm. Tuy nhiên, con người không sở hữu một cơ quan được gọi là vomeronasal trong mũi của loài gặm nhấm giúp phát hiện các các chất hóa học không mùi. Bộ phận này đã biến mất trong quá trình con người tiến hóa.

Để tìm hiểu sâu hơn, các nhà khoa học đã dùng đĩa thí nghiệm áp trực tiếp nước mắt vào 62 thụ thể khứu giác và phát hiện có tới 4 thụ thể được kích hoạt bởi nước mắt, trong khi nước muối không kích hoạt các thụ thể. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ bộ não của nam giới cũng cho kết quả vùng vỏ não trước trán và thùy trước, hai vùng kích thích cảm xúc hung hăng ở con người, hoạt động không hiệu quả khi có sự can thiệp của nước mắt.

Các nghiên cứu trước đó về loài gặm nhấm cũng chỉ ra rằng nước mắt có chứa chất hóa học giúp phát ra các tín hiệu xã hội tùy theo nhu cầu. Chẳng hạn, chuột cái dùng nước mắt để "can ngăn" chuột đực đánh nhau, hay những con chuột đực yếu thế thường tìm cách bôi nước mắt lên cơ thể để giảm nguy cơ bị các con đực mạnh tấn công.

Mai Nguyễn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm