Nữ già làng Ksor H’Lâm, sống tại vùng biên làng Krông, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) là nữ già làng hiếm hoi ở mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, một nữ già làng giàu lòng nhân ái, bằng kiến thức và uy tín của bản thân đã được bà con tín nhiệm, vượt qua bao tập tục để làm thủ lĩnh của làng.
Già làng Ksor H’lâm trao đổi công tác vận động quần chúng với lãnh đạo Trung đoàn 710 (Binh đoàn 15). Ảnh: sggp.org.vn |
Già H’Lâm đã 73 tuổi nhưng trông còn rất nhanh nhẹn với dáng người Tây Nguyên rắn rỏi, khỏe mạnh. Đang ngồi bàn bạc cùng các chiến sỹ bộ đội Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đứng chân trên địa bàn về việc triển khai buổi tuyên truyền pháp luật cho bà con trong làng, già đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu. Theo già H’Lâm, làng Krông có trên 100 hộ dân, toàn bộ là người Jrai. Bà đang cùng cán bộ Trung đoàn 710 lên kế hoạch cho việc lắp hệ thống loa phát thanh trong làng để tuyên truyền, đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần với đồng bào hơn. Già H’Lâm phấn khởi chia sẻ, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, xã biên giới Ia Mơr có 5 làng chỉ duy nhất làng Krông của già đạt danh hiệu làng văn hóa. Là vùng biên giáp với nước Campuchia, nhờ những đợt tuyên truyền, bà con làng Krông đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng lạ trốn sang vùng này để vượt biên.
Kể về cuộc đời mình, già H’Lâm cười vui vẻ: Vì yêu đất nước, 13 tuổi già đã đi làm giao liên, rồi sau về làm hậu cần, vận chuyển thuốc men, thực phẩm cho bộ đội. Sau 25 năm phục vụ trong quân đội, già về làng Krông nghỉ hưu. Sống mẫu mực, uy tín với đạo đức của chiến sỹ bộ đội cụ Hồ, Thượng úy Ksor H’Lâm được bà con tín nhiệm bầu làm già làng từ năm 1990 cho đến nay.
Lớn lên và sống tại đây, già H’Lâm hiểu được sự vất vả, khó khăn của người dân, đó là động lực khiến già luôn tìm tòi, học hỏi rồi truyền đạt kiến thức, khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho dân làng. Trước đây, mảnh đất Krông cằn cỗi chỉ trồng được cây sắn, cây ngô bằng phương pháp chọc tỉa lâu đời, từ khi có nữ già làng lanh lợi, đảm đang, đồng bào đã biết trồng lúa, đậu xen canh, nuôi bò, lợn để lấy phân bón cây trồng…
Già H’Lâm sống đạm bạc trong căn nhà sàn cũ, bao nhiêu tiền lương dành dụm, già lấy mua bò cho bà con tăng gia sản suất, lấy sức kéo. Hiện tại trong làng, hầu như hộ nào cũng có ít nhất một con bò cái sinh sản của già H’Lâm cho. Ngoài ra, vị nữ già làng này còn tiết kiệm tiền cho các hộ dân vay để mua phân bón, thuốc trừ cỏ… Thấy được những đóng góp của nữ già làng, năm 2015, Trung đoàn 710 đã xây tặng già một căn nhà tình nghĩa.
Không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế, già làng H’Lâm còn như là chỗ dựa về tinh thần cho những mảnh đời khó khăn. Bà lấy cuộc đời mình ra làm gương cho thế hệ mai sau về sự hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giữ ổn định an ninh chính trị vùng biên. Già H’Lâm không lập gia đình để hết lòng chăm lo cho cuộc sống bà con dân làng. Không chỉ riêng làng Krông mà cả làng Khôi, Hnap, Klă, Ring, bà con cứ có chuyện gì cũng sang xin hỏi ý kiến tư vấn từ già làng H’Lâm. Điều đặc biệt, già H'Lâm đã vận động bà con, mỗi gia đình đều có một cổng chào phía trước nhà với khẩu hiệu "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Già H’Lâm như một địa chỉ tin cậy của các đơn vị khi kết nối quân – dân nơi vùng biên Tổ quốc. Trung tá Lưu Văn Đoàn, Chính ủy Trung đoàn 710, Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) cho biết: Đơn vị đứng chân trên địa bàn, nhờ có sự kết nối của già làng H’Lâm mà công tác tuyên truyền ở đây rất tốt. Già H’Lâm là một già làng uy tín, gương mẫu nên bà con dân làng rất tin yêu, nể phục. Nhờ sự tuyên truyền vận động của già làng, đời sống của đồng bào nơi đây có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị xã vùng biên Ia Mơr luôn ổn định, bình yên.
Gương mẫu, hết lòng vì cộng đồng, có đạo đức lối sống chan hòa, già làng H’Lâm nhận được rất nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp song phần thưởng cao quý nhất đối với vị nữ già làng này là sự tin yêu và thương quý của dân làng.
Hồng Điệp
(TTXVN)