Già làng Hồ Sỹ Thi đi đầu trong mặt trận chống đói nghèo

Già làng Hồ Sỹ Thi đi đầu trong mặt trận chống đói nghèo
Dù tuổi đã cao, già làng Hồ Sỹ Thi vẫn tích cực nêu gương sáng trong lao động sản xuất. Ngày ngày, ông vẫn lên rừng để chăm sóc rừng keo và vườn cao su. Chỉ tay về rừng keo và vườn cao su xanh bạt ngàn của người dân Hương Sơn, già làng Hồ Sỹ Thi kể: Trước đây, người dân Hương Sơn sống du canh du cư dọc tuyến biên giới thuộc các xã của huyện A Lưới giáp nước bạn Lào.

Năm 1976, ông cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân về tái định canh, định cư ở xã Hương Sơn, huyện Nam Đông. Để ổn định cuộc sống, già làng Thi bắt tay vào việc trồng sắn, ngô, lúa nước nhằm đảm bảo lương thực, vận động mọi người tích cực khai hoang để phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Để người dân tin, ông và gia đình luôn tìm tòi cách làm kinh tế hiệu quả từ sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Khi Nhà nước có chính sách phát triển kinh tế rừng, già làng Hồ Sỹ Thi đã tiên phong trồng keo và cao su. Song song với việc trồng rừng, ông còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa... để tận dụng nguồn đất và đảm bảo sự đa dạng nông sản để cung ứng cho thị trường. Hiện nay, gia đình ông đã có 3 ha keo, 3,5 ha cao su, 5 sào lúa và 4 hồ nuôi cá. Bình quân mỗi năm, gia đình già làng Hồ Sỹ Thi thu lãi khoảng 150 triệu đồng từ các mô hình phát triển kinh tế.

Già làng Hồ Sỹ Thi đi đầu trong mặt trận chống đói nghèo ảnh 1
Già làng Hồ Sỹ Thi cùng gia đình luôn tìm tòi cách làm kinh tế hiệu quả từ sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Ảnh minh họa: luathongbang.com.vn

Không chỉ làm giàu cho gia đình, già làng Hồ Sỹ Thi luôn tìm cách chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vận động bà con không phá rừng, chặt cây làm nương rẫy, tập trung phát triển trồng cây công nghiệp như: cao su, keo và chăn nuôi; qua đó để có nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống, nuôi con học hành, biết cái chữ để sau này về giúp thôn, làng. Noi gương ông, nhiều gia đình tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát được nghèo và đang vươn lên làm giàu. Đến nay, xã Hương Sơn đã có đến 359 ha cao su, khoảng 1.000 ha rừng keo và nhiều mô hình phát triển kinh tế như trồng dứa, chuối, khai thác mây, lá để làm nón... Nhờ vậy, thu nhập bình quân của người dân Hương Sơn đã đạt trên 23 triệu đồng/năm/người, gấp đôi so với năm 2010.

Già làng Hồ Sỹ Thi được bà con quý mến, bởi những chiến công xuất sắc trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Khi mới 14 tuổi, ông đã tham gia công tác giao liên cho các cơ sở cách mạng ở địa phương. Năm 1960, ông tham gia vào lực lượng du kích của xã, không chỉ thực hiện nhiệm vụ tập hợp nhân dân đứng lên chống Mỹ, gùi lương thực, tải đạn, mà ông còn vận động bà con tích cực tăng gia sản xuất lấy lương thực tiếp tế cho bộ đội đánh thắng quân thù. Ông còn tham gia hàng chục trận đánh giặc trên khắp chiến trường Bình Trị Thiên.

Người lính dân tộc Cơ Tu ngày ấy cùng đồng đội đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Sau ngày quê giải phóng, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, giữ nhiều chức vụ khác nhau trong hệ thống chính quyền địa phương. Hiện tại, ông được tín nhiệm vào chức vụ già làng của thôn Ta Rung, xã Hương Sơn. Trên cương vị nào, ông luôn tích cực, kêu gọi bà con đoàn kết để giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, đau ốm, tích lũy để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; vận động bà con từ bỏ các hủ tục, nạn tảo hôn, không sinh con thứ ba...

Là người lính đi ra từ chiến trường, ông thấu hiểu nỗi đau mất mát, hy sinh của các gia đình liệt sĩ. Khi có điều kiện, ông luôn cung cấp thông tin và hỗ trợ nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sỹ. Trong ngôi nhà của mình, già làng Hồ Sỹ Thi dành một góc trang trọng nhất để làm bàn thờ Bác Hồ và lưu giữ những kỷ vật thời chiến tranh.

Già làng Hồ Sỹ Thi chia sẻ: "lưu giữ những kỷ vật này, để con cháu đời sau biết được một thời gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc; giáo dục con cháu biết giữ gìn những thành quả của cha ông, biết học tập và làm theo Bác Hồ, theo Đảng để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh".

Già làng Hồ Sỹ Thi đi đầu trong mặt trận chống đói nghèo ảnh 2
Già làng Thi kêu gọi bà con đoàn kết để giúp đỡ nhau khi để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống; vận động bà con từ bỏ các hủ tục, nạn tảo hôn, không sinh con thứ ba... Ảnh minh họa: congan.dienbien.gov.vn

Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn, bà Hồ Thị Thời cho biết: Trong quá khứ, già làng Hồ Sỹ Thi là một chiến sỹ, cán bộ kiên trung, bất khuất, luôn theo Đảng, theo Bác Hồ. Hòa bình lập lại, ông nêu gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi và vận động bà con đoàn kết làm ăn chung tay xây dựng thôn xóm ngày càng no ấm, xứng đáng là những người uy tín tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số. Với những người đảng viên tâm huyết như già làng mà các chính sách của Đảng và nhà nước đã đến với người dân nhanh chóng.

Nhờ những con người như già Hồ Sỹ Thi, xã Hương Sơn vinh dự là xã đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Với suy nghĩ “mình làm được, mình nói bà con mới nghe theo” già làng Hồ Sỹ Thi cho biết, tiếp tục cố gắng hết sức mình đến khi không còn sức khỏe nữa mới thôi để xứng đáng với sự tin yêu của bà con dân làng. Với những thành tích đã đạt được, bản thân ông được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Giấy khen, Bằng khen của các cấp.
Tường Vi

Có thể bạn quan tâm