Nông nghiệp xanh - Hướng đi mới cho du lịch sinh thái vùng sâu

Nông nghiệp xanh - Hướng đi mới cho du lịch sinh thái vùng sâu

Sau thành công của làng du lịch sinh thái Đại Bình, được tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm đến du lịch, được mệnh danh là Nam Bộ thu nhỏ của tỉnh Quảng Nam, huyện Nông Sơn đã nhân rộng mô hình phát triển kinh tế vườn theo hướng nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm du lịch xanh ở vùng sâu trong đất liền.

Nông nghiệp xanh - Hướng đi mới cho du lịch sinh thái vùng sâu ảnh 1Các chuyên gia trong phần đối thoại tại diễn đàn. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Hướng phát triển mới này được kỳ vọng sẽ làm nền tảng liên kết giữa các điểm đến: Làng trái cây Đại Bình - Làng nghề trầm Trung Phước - Suối nước nóng Tây Viên - Thắng cảnh Hòn Kẽm, Đá Dừng (huyện Nông Sơn) - Thắng cảnh Bằng Am (huyện Đại Lộc) - Lăng Bà Thu Bồn - Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), xa hơn nữa là đô thị cổ Hội An, thành phố Đà Nẵng...

Được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, 5 năm trước đây, ông Nguyễn Văn Thể ở xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn đã quy hoạch, cải tạo khu vườn đồi rộng hơn 6.000m2 để trồng mít, bưởi da xanh, hồ tiêu, trồng các loại trái cây bản địa có chất lượng cao được nhân giống từ làng trái cây Đại Bình. Khu vườn được ông chia làm 3 thửa từ thấp lên cao để bố trí trồng cây ăn trái lâu năm, trồng rau màu ngắn ngày, kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Sản phẩm từ vườn của ông được các nhà hàng, quán ăn trong huyện đến tận nơi để thu mua. Sau nhiều năm miệt mài chăm sóc và chỉnh trang, khu vườn của ông Thể và hàng chục khu vườn khác của người dân trong xã trở thành điểm đến của du khách trong các tour về vùng sâu tỉnh Quảng Nam.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Lanh cho biết, sau gần ba năm thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế hộ gia đình, huyện có hơn 2.820 vườn trồng cây ăn quả và các cây trồng có giá trị, với tổng diện tích xấp xỉ 350 ha. Huyện đã hỗ trợ gần 7 tỷ đồng cho người dân phát triển kinh tế vườn. Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, toàn huyện đã triển khai thiết kế kỹ thuật, đưa vào sản xuất cho gần 120 vườn cây ăn quả.

Nông nghiệp xanh - Hướng đi mới cho du lịch sinh thái vùng sâu ảnh 2Các đại biểu trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Mục tiêu đến năm 2025, Nông Sơn có 200 vườn phát triển thành các vườn có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vườn xanh - sạch - đẹp, đạt chuẩn vườn nông thôn mới, gắn với trải nghiệm du lịch vườn, du lịch sinh thái, ẩm thực của địa phương. Tuy vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, song việc thực hiện các chương trình về phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái đã mở ra nhiều hướng đi mới thật sự có hiệu quả, giúp người dân có thu nhập cao hơn từ chính khu vườn của mình. Đây là tiền đề quan trọng để Nông Sơn đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch sinh thái trong những năm tiếp theo.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam Văn Bá Sơn chia sẻ: Cùng với các khu du lịch sinh thái như: Cổng trời Đông Giang (huyện Đông Giang), Rừng dừa Bảy Mẫu, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (thành phố Hội An), Hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh), nhiều năm qua, làng du lịch sinh thái Đại Bình và nhiều vườn cây ăn quả với các dịch vụ ẩm thực đi kèm của huyện Nông Sơn đã thật sự là điểm đến không thể thiếu trong các tour du lịch về vùng sâu của Quảng Nam, được du khách, nhất là khách nước ngoài đặc biệt thích thú. Chương trình phát triển kinh tế vườn thân thiện với môi trường, gắn với du lịch xanh được huyện Nông Sơn thực hiện đã góp phần mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho việc đa dạng chuỗi sản phẩm du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa: Từ kết quả bước đầu đáng ghi nhận của chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn, trong năm 2024, huyện sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, trong đó người dân là chủ thể để đánh giá một cách khách quan những mặt đạt được và những hạn chế cần khắc phục về phát triển kinh tế vườn. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế có hiệu quả cao hơn, đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, để Nông Sơn không chỉ có một làng du lich sinh thái Đại Bình trong tương lai không xa. Mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm từ vườn sinh thái du lịch được áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp sạch như VietGAP, Global GAP, có ít nhất 5 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP.

Nông nghiệp xanh - Hướng đi mới cho du lịch sinh thái vùng sâu ảnh 3Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN

Để đạt mục tiêu này, ngay trong năm 2024, huyện Nông Sơn sẽ đẩy mạnh việc bổ sung các quy hoạch sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả các lợi thế tiềm năng từng vùng, từng địa phương; đầu tư xây dựng một số mô hình vườn mẫu, vườn điểm tại các xã gắn kết nông nghiệp với du lịch sinh thái, để mỗi khu vườn là một điểm đến. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc liên kết phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, tạo sản phẩm du lịch sinh thái, tiến tới đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch xanh, hướng phát triển mới của huyện Nông Sơn nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Đoàn Hữu Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm