Hiện có nhiều nơi, người trồng ớt lãi hơn 200 triệu đồng/ha. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Năm 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND xã Thượng Bì (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ớt Việt Nam triển khai mô hình trồng ớt xuất khẩu. Theo đó, công ty cung cấp giống ớt cay lai F1 số 20 cho 36 hộ dân trồng trên diện tích bốn héc-ta tại xóm Nè. Các hộ khi tham gia đã được công ty tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Mô hình được triển khai trồng từ tháng 10, ớt sinh trưởng, phát triển khoảng 70 ngày là cho thu hoạch. Đây là lần đầu cây ớt được đưa về trồng tại địa phương nhưng được đánh giá là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Giống ớt cay lai F1 số 20 phù hợp đồng đất và khí hậu cho nên cây sinh trưởng xanh tốt, cho trái nhiều, mẫu mã quả đẹp. Dịp cuối năm 2017, cây ớt đã cho thu hoạch ba lứa quả, năng suất trung bình đạt từ 1 đến 1,3 tấn quả/sào, được công ty thu mua với giá 10.000 đồng/kg (giá bao tiêu thấp nhất là 5.000 đồng/kg). Nhờ có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nên bà con yên tâm sản xuất không lo đầu ra bị thương lái ép giá… Chủ tịch UBND xã Thượng Bì Bùi Văn Tú cho biết, so với cấy lúa, trồng ngô thì cây ớt này cho hiệu quả cao gấp ba lần. Vì vậy xã có chủ trương chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng ớt. Năm nay, xã sẽ nhân rộng ra các xóm khác với diện tích khoảng 8 ha nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân.
Theo nhandan.com.vn