Cán bộ nông nghiệp xã Hải Sơn kiểm tra ruộng sen. Ảnh: baoquangtri.vn |
Ông Nguyễn Minh Phong ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương có diện tích ruộng trồng sen cao sản màu hồng lấy gương rộng 2,5 ha. Đây là mô hình trồng sen cho năng suất cao và cảnh quan đẹp nhất huyện Hải Lăng. Mới thu hoạch đầu vụ nhưng sen được mùa nên mỗi ngày ông Phong cần đến 5 lao động hái gương sen mới kịp. Chủ tịch UBND xã Hải Dương Hoàng Cảnh cho biết, người trồng sen nhiều nhất xã là ông Nguyễn Thế Anh ở thôn Kim Giao với diện tích 5,2 ha. Ông Anh là người đi đầu chuyển đổi sang mô hình trồng sen cao sản lấy gương trên vùng đất, ao hồ sình thấp trũng trước đây trồng lúa từ mấy năm nay. Ban đầu ông Anh mua hơn 1.000 cây giống sen hồng về trồng. Sau 45 ngày sen lên tốt và cho ra hoa rất nhiều. Ông Anh cho biết từ khi ra hoa đến gần ba mươi ngày sau thì gương sen đã già, cho thu hoạch. Cứ 3 đến 5 ngày thu hoạch một lần được gần 100 kg gương sen. Đang thời điểm đầu mùa nên ông Anh bán được giá gần 50 ngàn đồng/kg hạt sen tươi chưa tách bóc vỏ, bỏ tim sen. Ruộng sen của ông Anh mấy năm nay trung bình cho năng suất hơn 2 tấn hạt tươi /ha. Theo ông Anh thì trồng sen lấy gương cho lãi gấp 3 đến 5 lần trên cùng một diện tích so với trồng lúa.
Còn gia đình ông Nguyễn Đăng Sơn ở thôn Phú Kinh, xã Hải Hoà có diện tích trồng sen vụ này lên đến 12 ha. Để có diện tích lớn như vậy, gia đình ông thuê thêm đất ruộng trũng các xã trong vùng để trồng. Anh Nguyễn Đăng Đông, con ông Sơn cho biết trồng lúa ở ruộng thấp trũng tốn nhiều công sức mà thu nhập không cao so với cây trồng khác nên gia đình anh chuyển sang trồng sen lấy gương. Do được đầu tư chăm sóc bài bản nên ruộng sen của gia đình ông Sơn cho năng suất bình quân mấy năm nay từ 3 đến 4 tấn hạt sen tươi /ha, cao nhất vùng. Cái khó nhất để có được ruộng sen chất lượng tốt là phải có nguồn giống bảo đảm. Vì vậy, ông Sơn tự nghiên cứu để sản xuất được giống sen cho mình, đồng thời cung cấp cho nhiều hộ trồng sen khác trong xã. Địa phương trồng sen nhiều nhất của huyện Hải Lăng là xã Hải Sơn. Cây sen ở Hải Sơn được sản xuất rất bài bản ở các thôn. Bà Đoàn Thị Diệu Thư, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết vụ này diện tích trồng sen của các hộ dân đến gần 20 ha. Để phát triển tốt mô hình này, xã đã thành lập tổ hợp tác sản xuất sen có 24 hộ tham gia, do ông Nguyễn An làm tổ trưởng.
Chúng tôi ra đồng sen đang mùa thu hoạch, màu của hoa sen tím ngát cánh đồng, hương sen thơm ngào ngạt giữa đồng quê thanh bình. Anh Nguyễn Quảng ở thôn Lương Điền trồng 1,5 ha sen với mật độ 40 gốc sen/sào. Để có giống tốt, anh phải đặt hàng ở những cơ sở sản xuất giống sen uy tín ở Thừa Thiên Huế với giá 15 ngàn đồng/ gốc sen, tổng chi phí đầu tư trồng sen đến 500 ngàn đồng/sào. Anh Quảng cho biết, thông thường sau khi hết gió mùa đông bắc, người dân bắt đầu trồng sen. Sau một tháng rưỡi thì ruộng sen ra hoa rồi kết gương sen. Thời gian thu hoạch gương sen kéo dài đến 3 tháng đúng vào mùa hè nên thuận lợi cho việc chế biến, tiêu thụ. Dự kiến ruộng sen của anh Quảng cho năng suất 2,5 tấn/ ha. Với thời điểm đầu mùa có giá 50 ngàn đồng/kg hạt tươi chưa tách bóc vỏ, đến giữa mùa giảm xuống còn 30 đến 35 ngàn đồng. Trung bình 1,5 kg hạt sen sau khi bóc và tách vỏ, xoi tim thì còn lại được 1kg hạt sen. Một ngày công mỗi người bóc tách được 4 đến 5 kg hạt sen, bán với giá 100 ngàn đồng/ kg hạt sen tươi.
Ông Dương Viết Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng cho biết, diện tích trồng sen của huyện vụ này đạt hơn 70 ha ( diện tích toàn tỉnh hơn 100 ha), ruộng sen cho năng suất cao và chất lượng tốt. Hạt sen rất giàu hàm lượng protein, magie, kali và phốt pho, trong khi đó hàm lượng mỡ bão hòa, natri và cholesterol lại rất thấp. Cây sen được nhiều người quan tâm bởi công dụng đa dạng trong nâng cao sức khỏe con người của tất cả các bộ phận của cây sen. Đặc biệt những nghiên cứu gần đây cho thấy hạt sen còn có tác dụng trong việc chống lão hóa và tăng cường sức khỏe người cao tuổi. Phần lớn diện tích trồng sen là đất thấp trũng, trước đây trồng lúa nhưng kém năng suất nên người dân chuyển đổi sang trồng sen. Ngoài lợi nhuận từ sen, người trồng sen còn có thu nhập một khoản lớn từ cá tự nhiên sinh trưởng trong đầm sen. Nguồn thu từ cá đủ để trang trải chi phí như tiền thuê đất, nhân công trồng sen.
Ông Hải chia sẻ kinh nghiệm, để cây sen thu hoạch lâu và năng suất cao, sau khoảng 3 tháng sen già sẽ cắt lá và bón phân một đợt. Do trồng sen lấy gương nên phải hạn chế việc lấy ngó sen, vì lấy nhiều ngó sen thì gương sen sẽ bị nhiều hạt lép. Đồng thời để sen được ngon, cần hái vào sáng sớm. Cây sen chỉ thích nước trong. Khi gặp nước đục lâu ngày, sen sẽ bị thối ngó dẫn đến tàn lụi, cây chết. Để khắc phục tình trạng nước đục, người trồng sen chỉ cần đắp bờ bao ruộng, rồi bơm nước đục ra, có thể để cạn vài ngày rồi bơm nước trong vào. Với hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần trồng lúa trên diện tích ruộng trũng, trồng sen không chỉ giúp nhiều gia đình thoát nghèo mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nhàn rỗi vùng nông thôn.
Để giúp người dân có thị trường tiêu thụ sản phẩm hạt sen ổn định, Công ty Cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị đã thu mua hạt sen cho nông dân toàn tỉnh, đặc biệt là các xã của huyện Hải Lăng. Ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc cho biết, hai giai đoạn đầu mùa và cuối mùa nông dân bán hạt sen được giá cao hơn ở ngoài thị trường thì tổng công ty không thu mua. Đến khi giữa mùa, sản lượng sen khai thác nhiều, ít người thu mua, nguồn tiêu thụ của thị trường giảm thì tổng công ty sẽ thu mua hết cho người dân với giá 100 ngàn đồng/kg hạt sen đã tách, bóc vỏ và xoi tim, còn hạt sen khô chưa bóc, tách sẽ được mua với giá 22 ngàn đồng/kg.
Theo ông Hiếu, một “điểm nghẽn” trong thị trường tiêu thụ hạt sen mà người trồng sen gặp khó là khi thu hoạch đồng loạt sen tươi về họ bóc tách vỏ và xoi tim không kịp nên phải phơi khô nguyên vỏ. Mà khi đã khô thì rất khó để bóc, tách, xoi tim bằng thủ công nên rất khó tiêu thụ sản phẩm. Chia sẻ khó khăn này, trước mắt tổng công ty thu mua toàn bộ sen tươi, sen khô cho người dân để mang đi gia công rồi mới đóng gói bán ra thị trường. Tổng công ty đang tìm hiểu công nghệ và đầu tư dây chuyền tách, bóc hạt sen cho người sản xuất được thuận lợi. Khi đó sẽ khuyến khích nông dân phát triển thêm được diện tích trồng sen trên những chân ruộng kém năng suất. Còn hạt sen sau khi thu mua về, tổng công ty chế biến thành sen khô mang thương hiệu “ Sen Quảng Trị” để bán ra các thị trường trong và ngoài nước.
Theo baoquangtri.vn