Nông dân gặp khó khi cà phê ra hoa sớm

Nông dân gặp khó khi cà phê ra hoa sớm
Thông thường, cứ sau khi thu hoạch xong cà phê vào khoảng giữa tháng 11, chậm nhất là cuối tháng 12, nông dân tập trung tỉa cành, vệ sinh vườn cây hết khoảng 1 tháng, sau đó mới tập trung tưới nước, nhằm kích thích cho hoa cà phê nở đều.

Việc để cho vườn cà phê “khát nước” đến cao điểm mới cung cấp nước tưới là mục đích kích thích cho cây nở hoa tập trung, tạo khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, hầu hết các vườn cà phê trong tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng tất cả đều ra hoa trắng xóa. Tại những vùng có diện tích cà phê lớn của tỉnh như Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô… , tỷ lệ cây cà phê bung hoa chiếm khoảng 70 – 80% diện tích cà phê. Thậm chí có nhiều vùng, tỷ lệ cây ra hoa 100% như Đắk Mil, Krông Nô.

Nguyên nhân được xác định là do bước vào vụ thu hoạch, diễn biến thời tiết tại các vùng trong tỉnh xảy ra nắng nóng kéo dài, đến khoảng trung tuần tháng 11 thì xuất hiện mưa rào rải rác, lượng mưa tuy không lớn nhưng cũng đủ tạo môi trường thuận lợi cho cây cà phê đồng loạt ra hoa.

Theo nông dân, khác với mọi năm, cà phê chỉ ra “hoa chanh” nhưng năm nay hoa ra rất đều ở tất cả các cành hữu ích. Nhiều người lo lắng vì hiện tượng cà phê ra hoa như thế này sẽ không đạt yêu cầu, vì dễ bị thối khi gặp sương muối và trong quá trình thu hái dễ bị gãy rụng, nấm bệnh, rệp tấn công, gây ảnh hưởng xấu tới sức đề kháng của cây, cũng như đe dọa đến năng suất cà phê vụ tới.

Ông Trần Văn Tý ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ha cà phê hiện đang thu hoạch. Năm nay, do gặp mưa đột ngột, tiếp đó trời u ám suốt mấy hôm nên cà phê ra hoa và nở đồng loạt. Trong lúc nhân công thuê hái cà phê khó khăn nhưng gia đình tôi đành phải tạm dừng việc thu hoạch, đợi khi hoa cà phê rụng cánh mới tiếp tục. Thế nhưng thời gian chờ đợi này cũng phải mất ít nhất 1 tuần, trong khi quả cà phê đã chín đỏ vườn, rụng nhiều gia đình tôi lại tốn thêm chi phí thuê nhân công thu nhặt”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) thì vườn cà phê đang nở rộ, nhưng gia đình ông Bình cũng đành cho nhân công tiến hành thu hoạch quả.

Ông Bình cho biết: “Tôi vẫn biết là hái vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến vườn cây nhưng mùa vụ gấp gáp quá thì biết làm thế nào được”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) bấp chấp vườn cà phê đang nở hoa vẫn tiến hành thu hoạch quả.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Nam Trung, xã Nam Đà (Krông Nô) bấp chấp vườn cà phê đang nở hoa vẫn tiến hành thu hoạch quả.
Theo ông Bình thì việc thu hoạch cà phê trong thời điểm cây ra hoa sẽ dẫn đến việc gây rụng hoa, làm hỏng các mắt mầm trên cành khiến cho đợt ra hoa tiếp theo không đạt, thậm chí cây bị thui chột không ra hoa đợt hai. Điều này thì đối với người trồng cà phê ai cũng biết, nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện được.

Việc hoa cà phê nở sớm nếu gặp mưa nhiều sẽ thối hoa, không đậu quả, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cà phê vụ tới. Còn nếu thời tiết thuận lợi, hoa cà phê đậu được quả nhưng do chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết như thời gian nghỉ của cây, phân bón… nên cây không đủ sức, dẫn đến chất lượng quả cũng như năng suất cà phê sẽ không cao.

Mặt khác, từ nay đến cuối mùa khô còn 4 – 5 tháng nữa, lúc này, quả non đang giai đoạn cần nhiều nước, nếu gặp hạn hán sẽ ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân của cà phê. Đây cũng chính là nguyên nhân chính làm giảm năng suất, sản lượng cà phê của tỉnh trong những năm gần đây.

Vì vậy, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, nếu lượng hoa cà phê nở sớm với tỷ lệ quá nhiều như năm nay, nông dân cần chú ý cẩn thận trong quá trình tỉa cành, vệ sinh vườn cây để phòng nấm bệnh. Đồng thời, bà con chú trọng cung cấp nước tưới, phân bón đầy đủ theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây và trái non nhằm bảo đảm cho vườn cà phê vượt qua giai đoạn khắc nghiệt của thời tiết trong những tháng mùa khô năm nay.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm