Vườn chim tại Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân ngày càng đa dạng về loài và cá thể, đặc biệt, có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. |
Ông Nguyễn Hồng Bàng, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, cho biết: “Khoảng vào năm 2011, có nhiều loài chim quý về đây sinh sống, số lượng ban đầu chỉ vài chục con, nhưng ngày càng nhiều lên. Trước tình hình đó, đến năm 2013, chúng tôi đã chính thức quy hoạch khu vực đất vườn chim và thành lập đội quản lý nhằm tạo điều kiện để bảo tồn những loài chim quý hiếm”.
Theo kết quả khảo sát của Viện Sinh học nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, vào cuối năm 2013, tại khu vực vườn chim trong Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân có hơn 50 loài chim sinh sống trú ngụ, với tổng đàn khoảng 10.000-15.000 cá thể. Đặc biệt, trong đó có 3 loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam là chim cổ rắn (anhingar melanogaster), cò nhạn (ardea oscitans) và giang sen (tantalus leucocephalus).
Hiện nay, diện tích đất sử dụng của Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân là 1.450ha, trong đó đất rừng khoảng 431ha, khu vực vườn chim là 130ha. Để đảm bảo môi trường hoang dã tự nhiên cho các loài chim sinh sống, các cán bộ quản lý vườn chim luôn chú ý không tác động quá nhiều. Trung tâm tiến hành thành lập đội bảo vệ túc trực 24/24 giờ nhằm ngăn chặn mọi hành vi xâm hại vào khu vực vườn chim; dọn cỏ kênh mương, thả cá bổ sung để tạo nguồn thức ăn tại chỗ; trồng thêm tre, trúc và các cây bản địa để tạo điều kiện cho chim, cò làm tổ và sinh sản,… từ đó, số lượng loài và cá thể không ngừng tăng theo từng năm.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến và lập biên bản cam kết đối với những hộ dân sống xung quanh không vào vườn chim săn bắt, cuối năm có tặng quà cho các hộ sống quanh khu vực vườn chim. Ngoài ra, còn tiến hành xây dựng một số công trình như làm đường, xây dựng tháp canh và cắm một số bảng hiệu không cho người dân vào rừng để tạo thuận tiện cho công tác quản lý, bảo tồn; đồng thời định hướng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm, thông tin: “Đội quản lý vườn chim hiện có 7 người, mỗi ngày đều thay phiên nhau trực vào buổi tối ở khu vực giáp dân. Hơn nữa, mỗi năm chúng tôi đều tiến hành trồng thêm hàng trăm ngàn cây bản địa, tạo môi trường sống tốt cho các loài chim. Vì đây đều là những loài chim quý hiếm nên công tác bảo tồn, bảo vệ luôn được chúng tôi chú trọng. Hiện đàn chim ở đây sinh sống rất ổn định, mỗi năm đều tăng đàn”. Cũng theo ông Hiền, song song với các giải pháp trên, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cũng được trung tâm đặc biệt quan tâm, nhất là vào mùa khô. Bởi, chỉ cần một đám cháy nhỏ có thể làm đàn chim bỏ đi. Do đó, việc PCCC luôn được lãnh đạo đơn vị đặt lên hàng đầu trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Song hành cùng với trung tâm, hiện ngành chức năng của tỉnh cũng dành sự quan tâm trong việc bảo tồn và phát triển vườn chim. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức xét duyệt đề cương đề tài “Quản lý, bảo vệ và phát triển vườn chim Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”. Đề tài do tiến sĩ Dương Văn Ni làm chủ nhiệm và Trường Đại học Cần Thơ chủ trì thực hiện.
Mục tiêu của đề tài là nhằm khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường tự nhiên, thành phần loài của quần thể chim, nước và cá tự nhiên tại khu vực quy hoạch; liệt kê danh mục cây bản địa; xây dựng bản đồ chi tiết hạ tầng phân bố thực vật và bản đồ cao trình phục vụ quản lý nước, hiện trạng phân bố dòng chảy của năm; đề xuất biện pháp bảo vệ và phát triển bền vững vườn chim Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân, nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học và phát triển du lịch cho tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới...
Báo Hậu Giang