Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ngày 14/8, thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: hiện bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh với 33 ca bệnh được ghi nhận tại 13 xã của 5 huyện là Cư Kuin, Cư Mgar, Krông Bông, Lắk và M’Đrắk. Đặc biệt, hiện ghi nhận nhiều ca bệnh mắc bạch hầu nặng và công tác phòng, chống dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Krông Bông là huyện ghi nhận số ca bạch hầu nhiều nhất với 7 ổ dịch trong cộng đồng và có 14 ca bệnh. Trong đó, ca mới nhất có kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu được phát hiện tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông vào ngày 13/8.

Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk ảnh 1Khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ trong khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
 

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Bông Nguyễn Đức Vũ cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong thời gian qua, lực lượng y tế huyện Krông Bông luôn được đặt trạng thái sẵn sàng “chiến đấu” để thực hiện khoanh vùng dập dịch mỗi khi xuất hiện các ca mắc bạch hầu.

Khi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, lực lượng y tế phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, phong tỏa khu vực bệnh nhân sinh sống và triển khai phun thuốc khử trùng, điều tra dịch tễ, cho người dân tiếp xúc gần và trong khu vực có bệnh nhân uống thuốc kháng sinh dự phòng. Về lâu dài, địa phương đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho người dân, hiện đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin mũi một cho người dân các xã trong vùng dịch và có nguy cơ cao như Yang Mao, Cư Đrăm, Cư Pui…

Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk ảnh 2 Người dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chủ động tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Cũng theo ông Nguyễn Đức Vũ, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh, tuy nhiên, các ca bệnh vẫn tăng và còn tiềm ẩn trong cộng đồng vì vi khuẩn bạch hầu tồn tại được trong môi trường ẩm và bám vào quần áo để tồn tại trong nhiều tháng. Vì vậy, dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến bệnh bùng phát chủ yếu tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do đây đều là những “vùng lõm” tiêm chủng. Người dân không tiêm vắc xin phòng bệnh hoặc tiêm chủng không đầy đủ nên không tạo được miễn dịch trong cộng đồng.

Dịch bệnh bạch hầu không chỉ diễn biến phức tạp do sự gia tăng của các ca bệnh tại nhiều địa phương mà công tác điều trị bệnh nhân cũng gặp khó khăn. Hiện nay, ngành y tế đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng, dễ gây biến chứng và dẫn đến tử vong, trong đó, có 3 ca bệnh tử vong tại Gia Lai (1 ca) và Đắk Nông (2 ca).

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị trên 20 ca mắc bạch hầu của khu vực Tây Nguyên, hiện có 11 ca đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp, trong đó có những ca bệnh diễn biến khá nặng như mắc bạch hầu ác tính, có nguy cơ biến chứng viêm cơ tim và một số ca mắc bạch hầu trên nền bệnh lý nặng khác nên quá trình điều trị sẽ gặp khó khăn nhất định.

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ về chuyên môn và thuốc men điều trị của Bộ Y tế cùng các cuộc hội chẩn đa tuyến với các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần tăng hiệu quả điều trị đối với bệnh nhân mắc bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, đặc biệt đối với các bệnh nhân nặng, bạch hầu ác tính và biến chứng viêm cơ tim.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin khống chế bệnh bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Y tế đã quyết định hỗ trợ vắc xin cho các tỉnh Tây Nguyên thực hiện chiến dịch tiêm chủng bạch hầu cho người dân với mục tiêu tiêm vắc xin đạt tỷ lệ trên 90% cho tất cả các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên.

Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk ảnh 3Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
 

Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, có tốc độ lây lan cao, từ một ca ban đầu nếu không kiểm soát có thể lây lan cho 7 trường hợp khác. Một biến chứng rất nguy hiểm của bạch hầu đó là vi khuẩn có thể sinh độc tố và gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong. Do đó, để khống chế được dịch bệnh này một cách bền vững, về lâu dài bắt buộc người dân phải thực hiện biện pháp tiêm chủng những loại vắc xin có phòng bệnh bạch hầu.

Hiện ngành Y tế Đắk Lắk đã triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh mũi một cho gần 81.000 người trong vùng dịch. Trong thời gian tới, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu sẽ được ngành y tế Đắk Lắk tích cực triển khai, nhằm sớm tạo miễn dịch trong cộng đồng.

Tiến sĩ Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho rằng: Một trong những mục đích của chiến dịch tiêm chủng vắc xin bạch hầu lần này là nhằm vào đối tượng “vùng lõm” trong tiêm chủng, những khu vực mà gần như người dân không tham gia tiêm chủng. Do đó, cần phải “phủ sóng” tiêm chủng vắc xin trong khu vực này để xóa những “vùng lõm” về tiêm chủng, ngăn chặn lây lan bạch hầu, sau đó sẽ triển khai tiêm chủng đầy đủ cho những vùng xung quanh để đem lại hiệu quả thật sự trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng và hệ thống y tế cơ sở cần vào cuộc quyết liệt, đặc biệt trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự hợp tác của người dân trong việc tiêm vắc xin để đạt được thành công của chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Với đặc thù tỉnh Đắk Lắk, có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều khu vực có địa hình hiểm trở, đại bộ phận người dân khu vực này vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của công tác tiêm vắc xin phòng bệnh nên ngành Y tế và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát đối tượng và tiêm chủng đủ liều nhằm từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh bạch hầu.

Nỗ lực khống chế và đẩy lùi bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk ảnh 4Cán bộ y tế phun thuốc khử trùng khu dân cư có bệnh nhân mắc bạch hầu tại huyện Lắk. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu sẽ được triển khai theo thứ tự ưu tiên vùng dịch, vùng lõm, cán bộ y tế và đại trà trong toàn dân. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ngành Y tế Đắk Lắk đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch các cấp, trong đó, đề nghị các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng, già làng, trưởng bản cùng tham gia vận động người dân đồng lòng cùng ngành Y tế và chính quyền địa phương phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Đặc biệt, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu nhằm nhanh chóng khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Với đặc thù các “vùng lõm” tiêm chủng và khu vực có ổ dịch nằm trên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở gây khó khăn trong việc tiếp cận địa bàn và tiêm chủng cho người dân, ngành Y tế sẽ huy động mọi nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương cùng các hội, đoàn thể để triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm