Nỗ lực đưa huyện Kon Plông trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh Kon Tum

Nỗ lực đưa huyện Kon Plông trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh Kon Tum

Chiều 27/1, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày chia tách và tái thành lập huyện Kon Plông (31/1/2002-31/1/2022). Qua 20 năm, kinh tế-xã hội của huyện Kon Plông đã có nhiều thay đổi, khởi sắc, đời sống của nhân dân được nâng lên.

Nỗ lực đưa huyện Kon Plông trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh Kon Tum ảnh 1Các tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình phát triển huyện Kon Plông. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cho biết, thời điểm mới tách và tái thành lập, huyện đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ hộ nghèo rất cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp; tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp thiếu, yếu; chất lượng nguồn nhân lực rất thấp; sản xuất chưa phát triển, chủ yếu là tự cung, tự cấp; đời sống đại bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, qua 20 năm, huyện Kon Plông đã có sự khởi sắc trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Tổng giá trị sản xuất năm 2021 đạt 2.440 tỷ đồng so với 58,7 tỷ đồng của năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Thu nhập bình quân đầu người từ 2,9 triệu đồng năm 2002 tăng lên 33,5 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước từ 10 tỷ đồng lên 227,7 tỷ đồng vào năm 2020. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ; huyện có 3/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,98% so với 56% của năm 2002.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đánh giá cao và biểu dương những thành tích to lớn mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Kon Plông đạt được thời gian qua, là tiền đề tạo ra thế và lực để huyện tự tin bước vào giai đoạn phát triển mới.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, việc phát triển của huyện Kon Plông vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; chưa phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; chưa có sự đột phá để tạo động lực thúc đẩy phát triển. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các vùng chưa đồng bộ. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; đời sống một bộ phận đồng bào ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa huyện Kon Plông phát triển nhanh và bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm đề nghị Đảng bộ, nhân dân huyện Kon Plông tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, đưa địa phương trở thành vùng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh vào năm 2025, xây dựng Trung tâm huyện lỵ Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm du lịch đa dạng, phong phú về loại hình với thương hiệu riêng, hạ tầng hiện đại, chất lượng phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025. Bên cạnh đó, xây dựng Kon Plông thành trung tâm du lịch - hội nghị - nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của khu vực Tây Nguyên vào năm 2030.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đề nghị huyện gắn phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo, chăm lo người có công cách mạng và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Huyện Kon Plông có vị trí chiến lược quan trọng đối với tỉnh Kon Tum và Tây Nguyên. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn có truyền thống cách mạng yêu nước nồng nàn, đoàn kết, cần cù lao động, có tinh thần anh dũng, bất khuất trong chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, đồng bào các dân tộc huyện Kon Plông giành được chính quyền cách mạng đầu tiên ở tỉnh Kon Tum. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân huyện Kon Plông cùng nhân dân cả nước vững vàng bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1950, Đảng bộ huyện Kon Plông chính thức được thành lập. Năm 1956, huyện được chia thành hai huyện H16 và H29. Tháng 10/1974, với chiến thắng Măng Đen, Măng Búk lịch sử, huyện Kon Plông được hoàn toàn giải phóng. Ngày 31/1/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2002/NĐ-CP chia tách huyện Kon Plông thành 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm