Ngày 29/12, Công ty Điện lực Kon Tum tổ chức đóng điện lưới Quốc gia cho điểm dân cư cuối cùng thuộc thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông. Việc cấp điện ngay trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 có ý nghĩa quan trọng, giúp nhân dân có điện để sử dụng trong lao động, sản xuất, phục vụ đời sống, góp phần giảm nghèo ở huyện Kon Plông – một trong hai huyện của tỉnh hưởng chính sách 30a của Chính phủ.
Điểm dân cư thuộc thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông là nơi sinh sống của 57 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng bản địa. Các hộ dân nơi đây trước kia sinh sống tại điểm thôn chính cùng gia đình, có điện sử dụng. Tuy nhiên, từ năm 2013, tuyến đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh được hoàn thành, nên các gia đình này đã tách hộ, chuyển xuống sinh sống dọc theo tuyến đường mới. Vì vậy, họ đã không có điện để sử dụng.
Ông Lê Đình Giáp, Giám đốc Điện lực Kon Plong cho biết, sau khi nắm được thông tin cụm dân cư này không được sử dụng điện lưới Quốc gia, năm 2020, đơn vị đã lập kế hoạch để tiến hành đưa điện vào cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình phức tạp, cách trung tâm huyện Kon Plông hơn 50km, phải vượt qua nhiều đập tràn, cầu, cống xuống cấp, thời tiết mưa nhiều nên công tác vận chuyển trang thiết bị, trụ điện vào điểm làng gặp nhiều khó khăn.
"Công ty Điện lực Kon Tum đã phối hợp với chính quyền địa phương, khắc phục khó khăn, đầu tư cải tạo, kéo mới 752m đường dây trung thế, gần 400m đường dây hạ thế và một trạm biến áp 25kVA với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng; trong đó, đơn vị đầu tư hơn 400 triệu và gần 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, kéo điện đến cho nhân dân", ông Lê Đình Giáp cho biết thêm.
Anh A Đên (sinh năm 1996, trú thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút) chia sẻ, gia đình anh có bốn người, sinh sống tại điểm dân cư mới từ nhiều năm nay. Trước đây không có điện, anh phải sử dụng đèn pin để thắp sáng trong gia đình. Ngoài ra, gia đình anh cũng không thể sử dụng các thiết bị điện hiện đại như nồi cơm điện hay tivi, nên mọi sinh hoạt trong gia đình rất bất tiện. Thậm chí, mỗi khi điện thoại hết pin, anh phải về nhà mẹ đẻ ở điểm thôn cũ để sạc nhưng cũng không được bao lâu.
"Bây giờ có điện rồi, mình và bà con trong điểm dân cư mới mừng lắm. Mình không phải về điểm làng cũ để sạc nhờ điện thoại, đèn pin nữa. Gia đình mình cũng đã có đèn điện để thắp sáng, có tivi để xem, cuộc sống tiện lợi hơn rất nhiều", anh A Đên vui mừng nói.
Còn gia đình chị Y Pây (sinh năm 1994, trú thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút) cũng tách khẩu từ nhà mẹ đẻ ở điểm thôn cũ về điểm thôn mới trên tuyến đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh từ đầu năm 2019. Không có điện, mọi sinh hoạt trong gia đình đều gặp khó khăn, nhất là khi vợ chồng chị lại có hai con nhỏ.
"Nhiều khi con ốm, điện thoại hết pin không có điện để sạc nên không biết gọi ai. Nấu cơm thì phải dùng bếp củi, dùng đèn dầu để thắp sáng, cực khổ vô cùng. Bây giờ đã có điện rồi, mình không phải lo lắng gì nữa, hai vợ chồng sẽ lo làm ăn, phát triển kinh tế để có được cuộc sống đủ đầy hơn", chị Y Pây bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch UBND xã Măng Bút, thôn Đăk Lanh có 111 hộ dân với 405 nhân khẩu, có 110 hộ là người dân tộc Xê Đăng bản địa, đời sống còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp. Những hộ dân sống dọc tuyến đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh không có điện sử dụng nên cuộc sống vất vả hơn, vì không được hưởng những tiện ích của xã hội, không có tivi, thiết bị điện hiện đại phục vụ đời sống.
Chủ tịch UBND xã Măng Bút khẳng định, việc kéo điện về điểm thôn mới cho 57 hộ dân rất quan trọng, giúp người dân có điện để sử dụng trong sinh hoạt gia đình, lao động, sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, dần vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, việc kéo điện càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đang đến gần, giúp người dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 69,62% năm 2021 xuống dưới 50% theo mục tiêu địa phương đã đề ra cho năm 2022.
"Sau khi cấp điện cho điểm dân cư cuối cùng của huyện, Điện lực Kon Plong sẽ cử công nhân thường xuyên kiểm tra lưới điện để phát hiện sự cố, xử lý kịp thời. Đồng thời, hướng dẫn bà con sử dụng các thiết bị điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế, góp phần phát triển thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút nói riêng và huyện Kon Plông nói chung", ông Lê Đình Giáp nhấn mạnh.
Dư Toán