No ấm bản người Mông Phiêng Ban

No ấm bản người Mông Phiêng Ban
Không di cư tự do để phát triển kinh tế

Không giống với những lần đến với các bản khác của đồng bào dân tộc Mông, chúng tôi về Phiêng Ban khá thuận lợi. Từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai đi theo quốc lộ 279 khoảng 10 km, rồi rẽ trái, tiếp tục ngược dốc trên con đường đổ bê tông, chúng tôi đến nhà anh Sùng A Dế, Trưởng bản Phiêng Ban. Dáng người cao, to, đôi bàn tay thô ráp, gương mặt, giọng nói thật hiền, anh Dế đón chúng tôi thân tình, gần gũi. Pha ấm nước chè mời khách, giọng anh Dế “chắc như đinh đóng cột”: Cuộc sống hôm nay của người dân Phiêng Ban đang khởi sắc, tất cả là do bà con trong bản đã nghe theo lời Đảng không di cư tự do, ổn định để phát triển kinh tế.
 
Một góc bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).
Một góc bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu từ việc người Mông ở Phiêng Ban bỏ tập quán du canh du cư tự do để ổn định cuộc sống ngay trên chính mảnh đất của quê hương. Bởi vậy, trong suốt thời gian qua, dù có những thời điểm cây ngô, cây lúa trên nương cho năng suất thấp, người dân thiếu ăn lúc giáp hạt, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng được cán bộ xã, huyện về tận bản tuyên truyền chính sách của Đảng về công tác định canh, định cư, bà con hiểu ra rằng, nếu cứ du canh du cư nay đây, mai đó thì đến vùng đất nào cũng chỉ là phá rừng làm nương, cuộc sống sẽ mãi đói nghèo, nên bảo nhau yên tâm ổn định cuộc sống tại vùng đất này.

Đến một số hộ dân trong bản, chúng tôi nhận thấy, gia đình nào cũng có 1 hoặc 2 chiếc xe máy dựng ngoài sân, trong đó nhiều chiếc xe chìa khóa vẫn cắm ở ổ khóa; chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm được xây xa nhà ở, nhưng tất cả đều không khóa cửa... Như hiểu suy nghĩ của chúng tôi, anh Dế giải thích: Không có trộm cắp đâu, các anh, các chị cứ để xe máy qua đêm ngoài sân cũng không sao. Rồi anh khoe: Từ lâu rồi ở đây không trồng cây thuốc phiện, bản Phiêng Ban được công nhận là bản không có ma túy, toàn bộ diện tích đất được trồng rừng hoặc các loại cây lương thực, cây ăn quả; nội dung cam kết “5 có, 5 không” được bà con dân tộc Mông thực hiện rất tốt... Trong câu chuyện, anh Dế không kể về bản thân, nhưng qua tiếp xúc, trò chuyện, chúng tôi hiểu vai trò của người trưởng bản trong bước chuyển đổi của bản Phiêng Ban.

Năng động để có cuộc sống no ấm

Để minh chứng về sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong bản, anh Sùng A Dế dẫn chúng tôi thăm những sườn đồi trồng cà phê, trồng chè, trồng cây dược liệu sa nhân; đến các hộ gia đình nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo làm hàng hóa... Khoát tay chỉ những vạt nương trồng cây sa nhân, anh khoe: Nhiều hộ trong bản có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ cây sa nhân. Chúng tôi ngỏ ý muốn được hiểu hơn về việc cây sa nhân “bén duyên” trên đồng đất Phiêng Ban, anh Dế đã đưa chúng tôi đến gia đình ông Sùng Gà Chống - người đã cùng với ông Thào Và Dia (người cùng bản) mang cây trồng này về nương đồi Phiêng Ban năm 2012.

Ngôi nhà gỗ to, rộng, khang trang của gia đình ông Sùng Gà Chống nằm giáp quốc lộ 279, trong nhà, treo ngay ngắn Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai tặng ông Chống về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018; nhiều Giấy khen về thành tích học tập của các con trong gia đình ông. Ông Chống không giấu niềm tự hào: Cơ ngơi này là từ trồng cây sa nhân đấy. Năm 2012, tôi đến xã Phổng Lái (Thuận Châu) thăm người thân, thấy ở đây họ trồng cây sa nhân đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng ngô, trồng lúa nương. Tôi nghĩ chất đất, khí hậu ở Phổng Lái và ở Phiêng Ban tương đồng nhau, nếu cây sa nhân sống được ở Phổng Lái thì chắc chắn sẽ sống được ở Phiêng Ban, vì vậy, tôi đã mua 300 cây giống về trồng trên đất nương của gia đình.  3 năm sau, nương sa nhân cho thu hoạch được 6 tạ quả, thương lái đến tận nhà mua với giá 120.000 đồng/kg, vậy là vụ thu hoạch sa nhân đầu tiên gia đình tôi thu 72 triệu đồng. Ưu điểm của việc trồng cây sa nhân là, ngoài tiền mua cây giống, cây trồng này không cần bón phân, cũng không phải đầu tư nhiều công chăm sóc, chỉ cần làm cỏ trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 trở đi, sa nhân lên tốt cỏ không thể mọc được; trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm. Thấy rõ hiệu quả từ cây sa nhân, tôi đã vận động các hộ trong bản cùng làm theo. Riêng gia đình tôi hiện có 4 ha cây sa nhân, năm 2018, sản lượng đạt 2,6 tấn quả tươi, bán được gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn trồng 5 ha ngô, sản lượng đạt 50 tấn ngô bắp/năm, để phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường.
 
Người dân bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) nuôi bò nhốt chuồng, vỗ béo làm hàng hóa.
Người dân bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai) nuôi bò nhốt chuồng, vỗ béo làm hàng hóa.

Tham gia câu chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Phiêng Ban cho biết thêm: Mấy năm qua, xã Mường Giàng cũng đã vào cuộc mời các ngành chuyên môn về hướng dẫn bà con trong bản cách chăm sóc cây sa nhân để đạt năng suất cao và khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Hiện nay, 100% hộ dân trong bản đều trồng cây sa nhân, với tổng diện tích là 42 ha, năng suất bình quân đạt 6,5 tạ quả/ha. Tuy giá bán không ổn định (từ 60.000-120.000 đồng/kg), nhưng so với trồng cây ngô, cây lúa thì sa nhân cho thu nhập cao hơn nhiều lần trên cùng 1 ha đất canh tác.

Câu chuyện của chúng tôi rôm rả hơn với chủ đề chuyển đổi cây trồng trên đất nương ở Phiêng Ban. Mọi người hào hứng kể, được cán bộ xã lên tận bản tuyên truyền, vận động, bà con trong bản đã tích cực thực hiện chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, ngoài trồng cây sa nhân, người dân bàn nhau đưa cây cà phê, cây chè vào diện tích đất nương và chọn một số hộ trồng trước để làm mô hình điểm, sau đó mới nhân rộng trong bản. Để “chắc ăn”, Ban Quản lý bản đề nghị UBND xã Mường Giàng cử cán bộ khuyến nông về bản hướng dẫn kỹ thuật theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ việc làm đất, tự ươm cây giống để giảm chi phí đầu tư sản xuất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc...

Hiện nay, cả bản có 3 ha cây cà phê, năm nay cho bói quả; 4 ha chè đã cho thu hái sản phẩm, năng suất đạt 8 tấn chè búp tươi/ha, bà con mang ra xã Phổng Lái (Thuận Châu) bán cho các cơ sở chế biến chè, với giá 7.000 đồng/kg chè búp tươi. Chưa hết, một số hộ đang trồng thử nghiệm 1 ha các loại cây ăn quả, như xoài lai, mận hậu, năm nay cho quả bói, hy vọng cây ăn quả cũng sẽ phù hợp với đồng đất Phiêng Ban, để người dân tăng thêm thu nhập. Chính nhờ sự nỗ lực, năng động trong cuộc chiến với đói nghèo, đời sống của người dân Phiêng Ban đã và đang khởi sắc, với những con số thật ấn tượng: 69/71 hộ có mức sống từ trung bình trở lên, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/hộ/năm.
 
Nương trồng cây sa nhân của gia đình ông Sùng Gà Chống, bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).
Nương trồng cây sa nhân của gia đình ông Sùng Gà Chống, bản Phiêng Ban, xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai).

Một niềm vui khác, đó là tất cả các tuyến đường nội bản ở đây đều được đổ bê tông kiên cố và dẫn đến tận sân của từng gia đình; mặt đường được tôn cao hơn so với lề đường và luôn sạch sẽ. Điều đó cho thấy, người dân bản Phiêng Ban luôn quan tâm giữ gìn vệ sinh các tuyến đường, giữ cho mặt đường bền, chắc. Anh Dế chia sẻ: Được nhà nước hỗ trợ xi măng, bà con trong bản bàn nhau góp cát, sỏi, công lao động đổ bê tông 3 km đường nội bản. Trong thời gian thi công, các gia đình liên kết theo nhóm để hỗ trợ nhau đổ bê tông từng đoạn đường đi vào khu vực gia đình họ. Cách đây 5 năm cũng vậy, được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa bản, bà con cũng bảo nhau góp công lao động san nền, vận chuyển vật liệu... góp sức đẩy nhanh tiến độ thi công để công trình sớm hoàn thành, lấy chỗ hội họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ... Cũng nhờ Đảng, Nhà nước mà bản có nước sạch để sử dụng hằng ngày; có điện lưới quốc gia để thắp sáng, để được xem ti vi, qua đó, học hỏi thêm nhiều kiến thức pháp luật, kỹ thuật sản xuất; có nhà lớp học khang trang cho con em học hành chu đáo... Có cuộc sống như ngày hôm nay, người Mông Phiêng Ban ơn Đảng nhiều lắm.
Theo baosonla.org.vn

Có thể bạn quan tâm