Ninh Thuận triển khai thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia

Các thành viên Hợp tác xã ở huyện Ninh Hải trồng nho kết hợp với phát triển du lịch. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Các thành viên Hợp tác xã ở huyện Ninh Hải trồng nho kết hợp với phát triển du lịch. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Ninh Thuận triển khai thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Các thành viên Hợp tác xã ở huyện Ninh Hải trồng nho kết hợp với phát triển du lịch. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 nói trên có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tập trung nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, góp phần nâng cao sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm. Vì vậy, việc triển khai chương trình được tỉnh chú trọng và được thực hiện khẩn trương.

Trước mắt, UBND tỉnh Ninh Thuận tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn được giao; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đảm bảo đủ điều kiện, sớm được phân bổ kế hoạch vốn chi tiết nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn, phấn đấu đến hết quý III/2023 này đạt 60% và đến cuối năm 2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án được đầu tư.

Ông Trần Quốc Nam cho biết thêm, ngoài nguồn vốn được giao, UBND tỉnh sẽ huy động, quản lý, lồng ghép và sử dụng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả và minh bạch. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ thực hiện xây dựng các mô hình sinh kế; mô hình hỗ trợ và liên kết theo chuỗi giá trị, quy mô, hiệu quả, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ; tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hộ nghèo trên địa bàn có đối tượng thụ hưởng.

Trước mắt, UBND tỉnh tiếp tục rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính cấp thiết, khả thi, hiệu quả, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm và khả năng giải ngân vốn để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, không để dàn trải, manh mún trong quá trình thực hiện.

Tỉnh tổ chức quán triệt, tăng cường thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn kịp thời để cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan nâng cao nhận thức và năng lực, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ninh Thuận sẽ tăng cường và thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá việc quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại hiện trường dự án và tại địa phương thực hiện các chương trình để đảm bảo nắm bắt, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2022, tỉnh nỗ lực triển khai quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, tỉnh đã công nhận thêm hai xã đạt chuẩn nông thôn mới và hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế hiện có 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 5,93%, giảm 1,89% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 17,73%, giảm 4,73%.

Tuy nhiên, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và đóng góp của người dân còn hạn chế. Việc bố trí vốn đối ứng của một số địa phương chưa đảm bảo. Một số quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phù hợp với tình hình thực tế. Tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế được xác định là do năm 2022 các chương trình phân bổ vốn chậm, nội dung các chương trình có nhiều điểm mới, nâng cao và khó thực hiện trong khi văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và một số văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng trong tỉnh chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời. Một số quy định ban hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn...

Một số nhiệm vụ, chỉ tiêu Trung ương giao chưa phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình của một số Sở, ngành, địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả, còn ỷ lại, trông chờ vào các cơ quan chuyên môn cấp trên. Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý triển khai thực hiện các chương trình có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở cấp cơ sở. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện còn dàn trải, thiếu trọng tâm. Công tác phê duyệt dự án, tiến độ thi công thực hiện một số công trình dự án còn chậm… nên hiệu quả mang lại từ chương trình trong các năm qua chưa rõ nét.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm