Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho 53 hộ dân đang sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra sạt lở núi đá ở xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động để di dời người dân đến khu tái định cư mới, sớm ổn định cuộc sống, đảm bảo sinh kế lâu dài.
Mỗi khi trời mưa lớn, vùng núi ở xã Phước Kháng thường xảy ra tình trạng sạt lở và đá lăn xuống, đe dọa cuộc sống 53 hộ gia đình đồng bào dân tộc Raglai sống dưới chân núi thuộc ba thôn: Đá Mài Trên, Đá Mài Dưới và Cầu Đá. Để di dời người dân đến nơi ở mới an toàn, năm 2022, tỉnh Ninh Thuận triển khai dự án xây dựng khu tái định cư có diện tích khoảng 5ha, với tổng mức đầu tư trên 93 tỷ đồng.
Ông Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng cho biết, dự án di dân, tái định cư vùng sạt lở núi đá xã Phước Kháng hiện nay đã hoàn thành hạ tầng khu ở mới như mặt bằng, hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng, mỗi lô ở khu tái định cư có diện tích từ 202 đến 240 m2. UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư, UBND xã cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường khu ở cũ và xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức di dời các hộ gia đình bị ảnh hưởng đến khu ở mới.
Sau nhiều lần giải thích cặn kẽ và chỉ rõ mối nguy hiểm, đã có 40 hộ dân đồng tình di dời từ nơi ở cũ sang ở mới. Đến nay có 37 hộ dân đã có thông báo thu hồi đất, còn 13 hộ dân vẫn chưa đồng tình để di dời. Chính quyền địa phương cũng đưa ra chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình di dời, đặc biệt là kinh phí xây dựng nhà ở mới. Theo đó, hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 100% kinh phí xây nhà ở với mức 178 triệu đồng; những hộ không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ hộ nghèo.
Gia đình bà Katơr Thị Nghéo (thôn Đá Mài Trên, xã Phước Kháng) có 5 thành viên, thuộc diện hộ nghèo. Chia sẻ về nguyên nhân gia đình chưa chịu di dời, bà Nghéo nói: “Mình ở đây quen rồi, con nó có đi ra nơi ở mới thì đi chứ mình không đi, mình còn mẹ già bệnh nằm ở nhà đây. Ở đây mình nuôi gà, nuôi heo, nuôi bò, đất đai rộng hơn, còn bên nơi ở mới đất không có rộng để chăn thả”.
Chủ tịch UBND xã Phước Kháng cho biết, một bộ phận người dân chưa đồng tình di dời do tập quán của đồng bào Raglai gắn chặt với nơi ở lâu đời. Người dân cũng bày tỏ băn khoăn khi đất cũ không còn thì không còn đất để sản xuất. Qua các đợt lấy ý kiến, người dân Raglai kiến nghị chính quyền địa phương các nội dung gồm: sau khi di chuyển sang nơi ở mới, phần đất nơi ở cũ được giữ lại để người dân trồng trọt, chăn nuôi; phần đất cấp mới cho người dân ở khu tái định cư không thu tiền sử dụng đất của các hộ dân; ưu tiên cho người dân đến ở trước được tự chọn lô đất theo mong muốn của cá nhân; người dân của mỗi thôn sẽ chọn các lô theo vùng, cụm của mỗi thôn để thuận tiện cho sinh hoạt.
Phước Kháng là xã miền núi, đồng bào dân tộc Raglai sinh sống chiếm khoảng 97%. Toàn xã hiện có 653 hộ với 2.758 khẩu; trong đó có 358 hộ nghèo, 61 hộ cận nghèo. Đời sống của người dân chủ yếu làm nông, trồng trọt, một số ít hộ chăn nuôi bò, dê và cừu, đời sống rất khó khăn.
Để sớm giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai dự án di dân tái định cư vùng sạt lở núi đá lăn xã Phước Kháng, UBND huyện Thuận Bắc đã có văn bản số 3092/UBND-TH gửi UBND tỉnh Ninh Thuận xin chủ trương hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc đối tượng di chuyển về nơi ở mới của dự án.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Ninh Thuận cần chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có những chính sách giải quyết, hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Đây sẽ là cách để tạo sự đồng thuận trong việc di dời, xóa những điểm nóng sạt lở ở miền núi, nhất là mùa mưa bão năm nay đang đến gần.
Nguyễn Thành