Ninh Thuận hiện có 149 di sản văn hóa, trong đó có 54 di sản văn hóa đã được xếp hạng ở các cấp gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di sản văn hóa cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 36 di sản văn hóa xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Ninh Thuận thuộc 21 tỉnh, thành phố có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cảnh quan quần thể tháp Pô Klong Garai. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, trong số hệ thống di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể được xếp hạng, loại hình di tích chiếm số lượng nổi bật hơn cả với 48 di tích, gồm 11 di tích lịch sử cách mạng và 37 di tích kiến trúc, nghệ thuật.
Đáng chú ý, Ninh Thuận có hệ thống các tháp Chăm chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc và điêu khắc đến nay gần như còn nguyên vẹn như tháp Hòa Lai xây dựng thế kỷ thứ IX, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ XIII, cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ XVII được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá rất cao về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật chạm khắc tinh tế, độc đáo của nền văn hóa Chăm Pa.
Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể ở Ninh Thuận cũng phong phú với nhiều lễ hội lớn như lễ hội cầu ngư của người dân vùng biển, lễ bỏ mã của dân tộc Raglai, lễ hỏa táng của người Chăm theo đạo Bà la môn; trong đó nổi bật nhất là lễ hội Katê tổ chức vào tháng 7 âm lịch Chăm hàng năm.
Người Chăm và người Raglai cùng nhau nhảy múa những điệu múa truyền thống tại lễ hội. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN |
Những năm qua, Ninh Thuận đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của địa phương. Thông qua các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, từ năm 1981 đến nay, các tháp Chăm ở Ninh Thuận đã được nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và trùng tu nhiều đợt qua nhiều năm. Các công trình phụ trợ, khuôn viên của các tháp Chăm được xây dựng, tôn tạo khang trang. Các tháp Chăm hiện đang là một trong những điểm đến quan trọng về các khía cạnh tâm linh, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc hấp dẫn du khách thập phương khi tới Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, còn có 12 di tích cấp quốc gia của tỉnh Ninh Thuận được quan tâm tu bổ, gia cố chống xuống cấp thông qua nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (giai đoạn 2012 –2015). Một số di tích cấp tỉnh được chính quyền, người dân địa phương, các nhà tài trợ tu bổ thêm qua các năm bằng nguồn kinh phí của địa phương và nguồn xã hội hóa.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tham quan, du lịch và giáo dục truyền thống rất tích cực. Ninh Thuận đang tập trung xây dựng đề án bảo tồn, tôn tạo và chống xuống cấp hệ thống các di tích tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2025 với tổng kinh phí dự trù gần 25 tỷ đồng; trong đó ưu tiên nguồn kinh phí trùng tu, tôn tạo các hạng mục của di tích có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hóa của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay: Trong thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp các cơ quan khoa học, bảo tàng tập trung đẩy mạnh công tác khảo sát điền dã, sưu tập, lập hồ sơ khoa học để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đồng thời, tỉnh thường xuyên tổ chức trưng bày các di vật gắn với di tích và trưng bày chuyên đề văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh để giới thiệu rộng rãi tới công chúng và du khách.
Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Các đơn vị chuyên môn đẩy mạnh nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền về giá trị các di sản văn hóa bằng những hình thức phù hợp, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh của các tầng lớp nhân dân và phát triển du lịch của địa phương.
Ông Nguyễn Trần Vượng, Trưởng phòng Quản lý du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch trên địa bàn, Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch văn hóa; tăng cường kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh để hình thành các tour, tuyến mới từ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đến các huyện nhằm thu hút du khách tới tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về giá trị di sản văn hóa của tỉnh.
Nguyễn Thành
TTXVN