Ninh Thuận đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh

Phát triển vùng nuôi biển tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Phát triển vùng nuôi biển tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh ở thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án "Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021-2030". Đây là nhiệm vụ mà tỉnh Ninh Thuận luôn đặc biệt chú trọng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trong những năm tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, nhiệm vụ hàng đầu mà tỉnh thực hiện, đó là tập trung huy động các nguồn như đầu tư công, vốn ODA, đối tác đầu tư (PPP)… để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các vùng sản xuất, chăn nuôi và vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; nâng cấp hệ thống chợ đầu mối, trung tâm cung ứng, chợ bán lẻ nông lâm thủy sản, hoàn thiện chuỗi giá trị nông lâm thủy sản đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh theo quy định của Việt Nam và chuẩn mực quốc tế về an toàn thực phẩm.

Ninh Thuận đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh ảnh 1Phát triển vùng nuôi biển tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Trước tiên, tỉnh sẽ ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, sơ chế, chợ đầu mối tại một số vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm hoặc nơi tiêu thụ khối lượng lớn nông lâm thủy sản; nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm chế biến nông sản, thủy sản tại các cảng cá như Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân; đồng thời, đầu tư phát triển hệ thống kho lạnh, kho bảo quản đạt chuẩn phục vụ bảo quản sản phẩm tại địa bàn trong tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững như VietGAP, Global GAP, hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn..; xây dựng mô hình chợ đầu mối, chợ dân sinh, gắn kết với vùng nguyên liệu, hợp tác xã và liên kết với siêu thị, cửa hàng tiện ích theo chuỗi sản xuất… đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; đồng thời số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, bán buôn, bán lẻ sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn.

Ninh Thuận đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh ảnh 2Phát triển vùng trồng hành tím tại xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ngoài tăng cường phổ biến pháp luật, đẩy mạnh truyền thông về chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, tỉnh Ninh Thuận sẽ nghiên cứu, chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của thị trường hiện nay.

Tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định; đẩy mạnh sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thiết lập, vận hành hệ thống tự kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm tại cơ sở với sự tham gia giám sát của cộng đồng.

Ninh Thuận đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh ảnh 3Phát triển vùng trồng rau màu theo hướng VietGAP tại phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Để triển khai có hiệu quả đề án, tỉnh sẽ tăng cường năng lực thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc quản lý, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận sẽ huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, phát triển vùng sản xuất chứng nhận GAP; khuyến khích cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương, phát triển sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết thêm, để hàng hóa nông lâm thủy sản của tỉnh có cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, tỉnh Ninh Thuận sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại nông sản, thực phẩm an toàn tỉnh Ninh Thuận; tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu, kết hợp trưng bày giới thiệu sản phẩm an toàn hằng năm tại các hội chợ thương mại và các sự kiện quan trọng của tỉnh để thúc đẩy kết nối các cơ sở sản xuất với các cơ sở tiêu thụ nông lâm thủy sản trong và ngoài tỉnh; hình thành các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông lâm thủy sản thực phẩm an toàn; đồng thời quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản thực phẩm của địa phương đến các kênh phân phối để mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị, phát triển thương mại điện tử, thương mại số.

Tỉnh cũng tăng cường nguồn lực và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP; đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản an toàn đủ điều kiện tham gia các sàn thương mại điện tử, nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các nông sản an toàn của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trong tình hình mới.

Ninh Thuận đảm bảo an toàn thực phẩm để tăng tính cạnh tranh ảnh 4Phát triển vùng nuôi biển tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ đưa diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP hoặc tương đương tăng 10%/năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đưa tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng 10%/năm; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm….

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh sẽ tăng diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt tăng 15%/năm; duy trì 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ý cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm...

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm