Tuyến đường ô tô về trung tâm xã đang rợp cờ Tổ quốc chào mừng ngày Vị Thủy ra mắt xã NTM thứ 2 của huyện. |
Mấy hôm nay, khi biết tin xã nhà hoàn thành 19/19 tiêu chí, được hội đồng thẩm định công nhận đạt chuẩn NTM, nhân dân xã Vị Thủy hết sức phấn khởi và tự hào. Bà con khẩn trương cùng với chính quyền địa phương treo cờ Tổ quốc, biểu ngữ, ra quân dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch, đẹp là cách mà người dân địa phương thể hiện niềm vui của mình trước sự kiện xã nhà chính thức ra mắt xã NTM vào ngày hôm nay (22-12). Vừa treo cờ Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Triển, người dân ở ấp 4, bộc bạch: “Vui và tự hào lắm! Từ nay, cuộc sống ở nông thôn sẽ có nhiều thay đổi, khoảng cách với thành thị ngày một gần hơn, ý thức của người dân trong xây dựng cuộc sống mới cũng được cải thiện. Vì, khi được công nhận xã NTM mà nhà cửa luộm thuộm, đường sá um tùm thì đâu thể gọi là NTM”.
Theo lãnh đạo địa phương, để có được xã NTM Vị Thủy hôm nay là một quá trình nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân. Bởi, vào thời điểm Vị Thủy mới được tỉnh chọn là một trong 11 xã thí điểm xây dựng NTM (giai đoạn 2011-2015); khi đó địa phương gặp không ít khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất nông thôn, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 26%, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (khoảng 16%),… đây là những rào cản không hề nhỏ trên con đường đến đích NTM. Ông Mai Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Vị Thủy, nhớ lại: “Khi mới triển khai chương trình, đa phần cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức tốt về xây dựng NTM, có người không hiểu NTM là gì, nên việc huy động sự chung tay góp sức của cả cộng đồng gặp nhiều trở ngại”.
Từ khó khăn trên, Đảng bộ xã xác định công tác tuyên truyền từ trong hệ thống chính trị và triển khai ra dân hiểu mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm là một nhiệm vụ quan trọng, có tính quyết định đến sự thành công của chương trình. Do vậy, ban chỉ đạo xây dựng NTM từ xã đến ấp đã tập trung quán triệt bằng nhiều hình thức như: cắm pano, áp phích, họp dân, họp tổ; trong đó, chú trọng tuyên truyền sâu, rộng vào đồng bào dân tộc thông qua những người có uy tín.
Đại đức Danh Thanh, Chủ trì chùa Ô Chum Prức Sa, ở ấp 6, cho biết: “Sau khi chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng NTM tại địa phương, đồng thời hiểu được tầm quan trọng của chương trình, thời gian qua, ban quản trị nhà chùa thường xuyên vận động bà con phật tử chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo, hiến đất làm đường, xây dựng hàng rào cây xanh, vệ sinh môi trường, xử lý rác thải hộ gia đình đúng quy định. Bên cạnh đó, nhà chùa cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ hơn 3 tỉ đồng để xây một chánh điện và lò hỏa táng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường”.
Với truyền thống xã anh hùng, người dân Vị Thủy sớm nhận ra rằng, đây là cuộc cách mạng lấy sức dân để lo cho dân, vì vậy, ai nấy đều sẵn sàng hiến đất, đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM. Để có những trục đường thôn xóm khang trang, rộng rãi, đảm bảo tiêu chí NTM, người dân nơi đây đã tự nguyện góp công, góp của, hiến đất; dỡ bỏ tường rào và nhiều cây cối, kiến trúc. Hiện toàn xã có 2,5/2,5km đường trục xã, liên xã được cứng hóa theo quy định; 100% đường ngõ, xóm không lầy lội vào mùa mưa. Cùng với làm đường, bà con còn làm hàng rào cây xanh tạo nên cảnh quan đẹp. Ngoài ra, nhiều cây cầu được xây mới, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi; 3/4 ngôi trường trên địa bàn xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; nhà văn hóa ấp, chợ xã, trạm y tế được xây mới khang trang với đầy đủ tiện nghi.
Song song với công tác tuyên truyền, Vị Thủy còn là địa phương tiêu biểu trong việc triển khai nhiều giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo hiệu quả và bền vững. Bởi, xác định mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn là thước đo thành công trong xây dựng NTM. NTM không chỉ có đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học được xây dựng mới, mà NTM chính là sự phát triển về năng lực, trình độ của nông dân, khả năng tiếp thu khoa học công nghệ để áp dụng vào thực tiễn; sự quan tâm hỗ trợ nhau về con giống, nguồn vốn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau chí thú làm ăn, tự tin hơn để vươn lên thoát nghèo.
Từ mục tiêu trên, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể của xã đều tổ chức đối thoại với người nghèo để nắm được tâm tư, nguyện vọng nhằm đề ra kế hoạch giúp bà con thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Vị Thủy còn tập trung vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đặc biệt xây dựng được nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả như: mô hình cánh đồng lớn 100ha trong sản xuất lúa, nuôi lươn trong bể bạt, nuôi ba ba, trồng ổi Đài Loan, nuôi heo xử lý hầm biogas, trồng thanh long ruột đỏ, dự án Heifer trong chăn nuôi bò,... trong đó, nổi bật là mô hình trồng trầu tạo dấu ấn cho địa phương, với diện tích khoảng 40ha. Ông Trịnh Lục Thanh, ngụ ấp 8, chia sẻ: “Gia đình tôi có 2.000m2 trầu, mỗi tháng thu hoạch lá 2 lần bán cho các mối quen để làm mâm cưới, hỏi hoặc thương lái đến mua đem đi nơi khác tiêu thụ, thu nhập hơn 2 triệu đồng. Đây là mô hình hiệu quả vì phù hợp với những hộ ít đất sản xuất và thiếu vốn”.
Với những việc làm thiết thực trên, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 3-4%, hiện còn 120 hộ, chiếm 5,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29,1 triệu đồng/người/năm. Như vậy, chặng đường đầu xây dựng NTM của xã Vị Thủy đã về đích thành công. Tuy nhiên, làm thế nào xây dựng NTM bền vững, bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho nhân dân là mục tiêu mà Đảng ủy, chính quyền xã Vị Thủy luôn đặt ra và hướng tới. Ông Mai Văn Vui, Bí thư Đảng ủy xã Vị Thủy, thông tin: Chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống chính trị, cũng như tác động trong toàn thể nhân dân thấy được xã nhà đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã NTM. Đây là nguồn động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục phấn đấu nâng dần chất lượng các tiêu chí để đảm bảo giữ vững danh hiệu NTM trong những năm tiếp theo…
Báo Hậu Giang