Niềm vui đón Xuân trên những cung đường nông thôn mới ở Kiên Giang

Niềm vui đón Xuân trên những cung đường nông thôn mới ở Kiên Giang

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, hạ tầng giao thông nông thôn ở Kiên Giang được chú trọng. Nhờ đó, hàng trăm tuyến đường, cây cầu được đầu tư ở các vùng nông thôn, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa được thuận lợi, dễ dàng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên.

Hai tuần nay, hơn 200 hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường kênh Bà Đầm và kênh Ngay, thuộc ấp Tràng Tranh, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) hết sức phấn khởi sau khi hai tuyến đường bê tông được khánh thành, đưa vào sử dụng. Ông Lê Văn Hai (76 tuổi) cho biết, trước khi có đường bê tông, bà con nơi đây phải đi lại trên đường đất rất bất tiện và nguy hiểm, nhất là các em học sinh.

11.jpg
Xây dựng NTM ở huyện Giồng Riềng ngày càng khởi sắc, với nhiều phong trào như xây dựng đoạn đường đẹp, thắp sáng đường quê. Ảnh: nongnghiep.vn

“Tôi cứ nghĩ ở vùng sâu, vùng xa này và lại nằm trong đường rẽ nhánh nên sẽ không có được đường bê tông. Nhà nước đã quan tâm làm đường ngang 3 mét, cầu rộng nên xe tải nhỏ, ô tô 4 chỗ về đến tận sân nhà. Người dân ở đây mừng lắm. Có đường, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, người dân trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh đỡ vất vả. Thương lái đến tận nhà thu mua được nên giá cả cao hơn trước. Tết này, bà con ở đây được trọn vẹn niềm vui rồi”, ông Hai chia sẻ.

Về ấp Thạnh Nguyên, xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng trong những ngày tháng Chạp, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi diện mạo nông thôn ở nơi đây. Theo ông Đinh Văn Nhanh (Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Nguyên), trước đây, Thạnh Nguyên có số hộ nghèo, cận nghèo cao nhất huyện. Hệ thống cầu, đường giao thông chưa hoàn thiện, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn.

Khoảng 4 năm nay, được Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường, cầu, triển khai các mô hình giảm nghèo đã tạo điều kiện cho người dân lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập. Ông Đinh Văn Nhanh cho biết thêm, cuộc sống, thu nhập nâng lên nên người dân có điều kiện đóng góp, chung tay làm đường, xây cầu bê tông, lắp đèn chiếu sáng đường quê... Sau khi có đường bê tông, các hộ gia đình đã chủ động đắp lề đất, trồng cây, hoa kiểng để tạo nên cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp.

Ông Võ Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng cho biết, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp mở rộng hơn 50 tuyến đường giao thông nông thôn, hơn 120 cây cầu với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng. Hầu hết các công trình được thi công theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo ông Võ Tùng, đến cuối năm 2023, 100% trục đường liên ấp ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được bê tông hóa và thiết kế đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới về hạ tầng giao thông. Các xã, thị trấn quan tâm đầu tư làm các tuyến đường ngõ, xóm, cơ bản phục vụ việc đi lại và giao thương hàng hóa của người dân.

“Việc đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn của huyện nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hộ dân như: đóng góp tiền mua vật tư, ngày công lao động, hiến đất làm đường Huyện còn vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí xây cầu, đường trong các đợt phát động thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giồng Riềng chia sẻ.

Là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kiên Giang có hạ tầng giao thông nông thôn chưa hoàn thiện, huyện Vĩnh Thuận luôn chú trọng và tranh thủ các nguồn vốn đầu tư làm cầu, đường. Theo ông Trần Quý Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phong Đông, trong năm 2022 - 2023, xã được đầu tư làm mới, sửa chữa nâng cấp 7 tuyến đường liên ấp, lộ ngõ xóm, trong đó, có 3 tuyến đường rẽ nhánh thuộc địa bàn vùng sâu, xa của xã. Đây là những tuyến đường đáp ứng sự mong đợi của hàng trăm hộ dân, bởi trước đây đường đất, người dân phải đi lại bằng xuồng, võ hoặc chạy xe máy, xe đạp, nhưng trơn trượt, nguy hiểm.

Bà Lê Thị Thu, ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông bày tỏ, mong đợi nhiều năm rồi mới có được con đường bê tông, người dân ở đây rất vui mừng. Con đường trước nhà bà nối liền ra đường lớn, rộng 3,5 mét, xe tải nhỏ vào tận nhà thu mua tôm, lúa với giá cao hơn so với trước. Con trai và con dâu bà ở Thành phố Hồ Chí Minh dịp Tết này lái ô tô về đến tận nhà nên rất thuận lợi. Khung cảnh làng quê những ngày gần Tết rực rỡ sắc màu bởi các hàng rào cây xanh, hoa kiểng. Bà thấy tự hào về sự đổi thay, phát triển của quê hương.

Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận cho biết, bên cạnh thế mạnh sản xuất lúa - tôm, huyện từng bước phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tăng dần, nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng.

Vì vậy, huyện đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư hạ tầng giao thôn, nhất là các tuyến giao thông liên ấp, lộ ngõ xóm. Từ đầu nhiệm kỳ (2020 - 2025) đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp hơn 60 tuyến đường giao thông liên ấp, lộ ngõ xóm, hơn 80 cây cầu nông thôn với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng.

“Trong thời gian tới, Vĩnh Thuận triển khai thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công và nguồn vốn sự nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% vào cuối năm 2024 theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh; các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo theo tiến độ. Huyện có kế hoạch rà soát, duy tu, sửa chữa những tuyến đường giao thông, cầu bị xuống cấp để đảm bảo an toàn cho việc lưu thông và sản xuất của người dân”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Thuận Lê Trung Hồ chia sẻ.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm