Người dân xã Đắk Sin, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông đang thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN |
Những thách thức
Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong những năm gần đây, giá hạt tiêu trên thị trường luôn ở mức cao và ổn định đã khiến người nông dân mở rộng diện tích.
Năm 2014, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông mới chỉ hơn 13.800 ha, sản lượng gần 17.700 tấn thì đến hết năm 2017 đã tăng vọt lên gần 33.000 ha, sản lượng hơn 38.300 tấn. Diện tích hồ tiêu đã tăng hơn 3 lần so với định hướng quy hoạch diện tích hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh Đắk Nông là 10.000 ha, sản lượng khoảng 19.000 tấn.
Sự phát triển quá nóng của cây hồ tiêu đang đặt ra hàng loạt những khó khăn, thách thức đối với cả người nông dân và các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông), việc người dân mở rộng diện tích tự phát, thiếu quy hoạch, sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, giống nhiễm sâu bệnh, tái canh hồ tiêu trên những vùng đất đã nhiễm sâu bệnh hại nhưng chưa được xử lý triệt để… đã dẫn đến nguy cơ rất lớn về bệnh hại.
Trong năm 2017, toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 1.200 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và hơn 284 ha hồ tiêu đã bị chết. Tại các huyện như Cư Jút, Krông Nô… nhiều diện tích hồ tiêu bị chết úng do người dân trồng tiêu ở vũng trũng, không hợp chân đất.
Bên cạnh đó, giá hồ tiêu liên tục “lao dốc” trong vài năm trở lại đây đang khiến cho người nông dân hoang mang, lo lắng. Hiện nay, giá tiêu đen khô trên thị trường chỉ khoảng hơn 50.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (năm 2012 giá tiêu khoảng 220.000 đồng/kg). Theo ông Lê Hoàng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song (Đắk Nông), giá hồ tiêu giảm là điều đã được dự báo, cảnh báo từ trước. Bởi những năm gần đây, diện tích hồ tiêu không ngừng được mở rộng, năng suất cao, sản lượng tăng dẫn đến tình trạng “cung” đã bắt đầu vượt quá “cầu” làm giá giảm.
Hơn nữa, hiện nay Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới (chiến hơn 50% thị phần thế giới) nhưng không “điều khiển” được thị trường, vẫn phải bán với giá thấp một phần do chất lượng hạt hồ tiêu chưa đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Công nhân trang trại Thu Thủy, xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN |
Cũng theo ông Lê Hoàng Vinh, với mức giá như hiện nay, người trồng tiêu vẫn có lãi. Tuy nhiên, với những hộ mới chuyển đổi sang trồng hồ tiêu trong vài năm gần đây thì đang gặp khó khăn. Theo tính toán, mỗi héc ta tiêu trồng thuần, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, người dân phải bỏ ra từ 300-500 triệu đồng tiền đầu tư (trụ tiêu, giống, vật tư nông nghiệp khác…).
Khi giá tiêu ở mức cao, nhiều hộ bất chấp khuyến cáo, thế chấp nhà cửa vay vốn hàng tỷ đồng để đầu tư trồng tiêu. Tiêu mới trồng chưa thu hoạch, hoặc khi có thu thì giá bán xuống thấp khiến người nông dân chịu áp lực rất lớn về khả năng thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng, tái đầu tư…
Một thách thức khác trong phát triển cây hồ tiêu ở Đắk Nông là việc thâm canh tăng năm suất, sử dụng phân bón không cân đối, lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật xảy ra phổ biến làm giảm chất lượng hạt hồ tiêu (tồn dư phân, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…) không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các thị trường tiêu thụ trên thế giới. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và rộng khắp.
Trong khi đó, mối liên hệ giữa các nông hộ với nhau để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa lớn, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ để bảo đảm thị trường chưa phát triển. Hiện nay, phần lớn người nông dân bán sản phẩm hồ tiêu thông qua các đại lý thu mua nông sản trên địa bàn mà chưa có sự liên kết trực tiếp với giữa người dân với các công ty chế biến, xuất khẩu. Vì vậy, người nông dân bị thiệt thòi do thương lái làm giá, ép giá…
Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững
Xuất phát từ thực tế phát triển cây hồ tiêu và những nguy cơ bất ổn đã được nhận diện, tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển ngành hồ tiêu bền vững. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Lê Trọng Yên, quan điểm của tỉnh Đắk Nông là cương quyết không mở rộng diện tích hồ tiêu, chỉ tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, xây dựng quy hoạch xây dựng và quản lý vùng sản xuất hồ tiêu gắn với vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện sản xuất hồ tiêu sinh học, hữu cơ; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến sâu để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm được xem là những giải pháp hàng đầu. Hiện tại, ngành nông nghiệp Đắk Nông đang xây dựng quy hoạch chi tiết vùng sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương tích cực vận động, tuyên truyền bà con ổn định sản xuất, không chạy theo giá cả thị trường làm phá vỡ quy hoạch chung.
Người dân trồng tiêu xã Nâm N'Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông phơi tiêu sau khi thu hoạch. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN |
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng thực hiện xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất giống, tiến hành công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng nhằm bảo đảm sản xuất giống có nguồn gốc, sạch bệnh; tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống hồ tiêu nhằm đảm bảo chất lượng giống trước khi xuất vườn.
Cùng với đó, Đắk Nông cũng đang thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến; đăng ký mẫu mã và thương hiệu sản phẩm; xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật, mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ, thân thiện môi trường; thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết trong sản xuất giữa các nông hộ với doanh nghiệp (mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã), xây dựng cánh đồng mẫu lớn…để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả, lợi nhuận cho nông dân, doanh nghiệp…
Để phát triển ngành hồ tiêu bền vững, tỉnh Đắk Nông cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành các chính sách khuyến khích phát triển hồ tiêu bền vững, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào ngành hồ tiêu; bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trồng trọt cho phù hợp với yêu cầu thực tế, giúp cho quản lý giống của các cơ quan chức năng địa phương hiệu quả.
Anh Dũng