Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh (phải) và các cộng sự kiểm tra đàn ong mật tại trang trại nuôi ong của gia đình. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Sản phẩm mang thương hiệu mật ong Hạnh Phúc, thời gian gần đây được nhiều người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và nhiều nơi biết đến. Đó là mật ong sánh vàng, thơm, ngọt lịm, sản phẩm viên nang làm từ sữa mật ong chúa, sản phẩm tinh bột nghệ sữa mật ong chúa… Nhưng ít ai biết đến người đã xây dựng nên thương hiệu này là một nữ giám đốc còn khá trẻ Đỗ Thị Mỹ Hạnh. Tuy mới thành lập được tròn 1 năm, nhưng hiện nay sản phẩm mang thương hiệu mật ong Hạnh Phúc của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hạnh Phúc Oganic, ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có mặt ở nhiều nơi.
Đỗ Thị Mỹ Hạnh kiểm tra đàn ong mật tại trang trại nuôi ong của gia đình. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty cho biết, gia đình cô vốn có nghề nuôi ong lấy mật đã gần 20 năm, trước đây nhà có 4 anh em thì chỉ có mỗi Hạnh là không biết gì và không theo nghề nuôi ong. Năm 2016, khi còn đang có một công viêc khá tốt ở Văn phòng Thế giới di động tại Thành phố Hồ Chí Minh, do bị bị chứng mất ngủ triền miên, da dẻ đen sạm nên cô đã uống mật ong chúa tươi nguyên chất. Sau một tuần dùng thử sản phẩm Hạnh thấy ngủ ngon giấc, dùng 1 tháng sau ai cũng khen da thay đổi rõ rệt và mọi người xung quanh ai cũng hỏi xem cô có bí quyết gì để thay đổi làn da nhanh đến vậy. Và từ đó Hạnh để ý và nghiên cứu, tìm hiểu đến sản phẩm sữa ong chúa và tác dụng của nó. Khởi nghiệp của nữ giám đốc trẻ này bắt đầu bằng việc chuyên bán sữa ong chúa online qua các kênh zalo và Facebook. Do nhận thấy nguồn cung cấp mật ong, cũng như sữa ong chúa từ 12 trang trại của gia đình luôn đều và chất lượng đảm bảo nên Đỗ Thị Mỹ Hạnh quyết định lập Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hạnh Phúc Ogarnic với sản phẩm cung cấp chính là mật ong, sữa ong chúa tươi nguyên chất tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
Chị Đỗ Thị Mỹ Hạnh và các cộng sự kiểm tra đàn ong mật tại trang trại nuôi ong của gia đình. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Sau khi thành lập Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hạnh phúc đã tung ra thị trường loại viên nang sản xuất từ sữa ong chúa nguyên chất được rất nhiều người tiêu dùng phản hồi tốt. Riêng sản phẩm mật ong mang thương hiệu Hạnh Phúc chỉ có một loại duy nhất đó là mật ong hoa cà phê, chính vì vậy mật ong mang thương hiệu Hạnh Phúc có hương vị rất riêng, đặc biệt của hoa cà phê vùng đất Tây Nguyên. Hiện nay, sản phẩm viên nang của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Hạnh Phúc Organic đã được Bộ y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đối với mật ong tươi, sữa ong tươi. Cũng tại địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua một loại bơ trái thon dài, hạt nhỏ, cơm vàng, mịn, béo ngậy… đã đặt chân được vào nhiều cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh và các tỉnh thành lân cận với thương hiệu Bơ sáp Thái Dương. Nhưng ít ai biết rằng, loại bơ sáp này mới chỉ cấy ghép thành công từ 7 năm nay bởi một “kỹ sư tay ngang”, ở một vùng đất từ trước đến nay chưa từng nổi tiếng với các loại cây ăn quả - xã Xà Bang, huyện Châu Đức. Năm 2011, anh Nguyễn Cảnh Thái Dương bỏ nghề xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trở về quê nhà xã Xà Bang, huyện Châu Đức với mơ ước khởi nghiệp từ nông nghiệp. Từ những cây bơ còn sót lại trong vườn, anh bắt đầu nhen nhóm ý tưởng sẽ phát triển thành loại cây chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Anh bắt đầu mày mò, nghiên cứu để ghép và chọn giống bơ phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Xà Bang. Anh Dương chia sẻ: “Khi bắt tay vào trồng, ghép bơ tôi gặp rất nhiều khó khăn vì mình chưa có kinh nghiệm. Thời gian đầu, tỷ lệ cây sống rất ít. Thế nhưng không vì vậy mà tôi bỏ cuộc. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng tôi đã ghép thành công, cho ra giống bơ sáp đặc biệt chất lượng”. Bơ sáp Thái Dương được trồng hoàn toàn theo quy trình sạch và an toàn. Việc bón phân được kiểm soát nghiêm ngặt. Từng công đoạn chăm sóc đều được theo dõi, ghi chép cẩn thận. “Chẳng hạn, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chống các loại côn trùng, chúng tôi tuân thủ quy trình giãn cách 20 ngày giữa các đợt phun, bảo đảm lượng thuốc đã phân hủy hết và không ảnh hưởng đến chất lượng bơ”, anh Nguyễn Cảnh Thái Dương cho biết.
Anh Nguyễn Cảnh Thái Dương bên những cây bơ trĩu quả trong vườn của gia đình. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN |
Để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, xác định xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, anh Nguyễn Cảnh Thái Dương mời một số người bạn tham gia thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Thái Dương. Anh Dương cho biết, đến nay, đã có 12 thành viên tham gia vào hợp tác xã, diện tích trồng bơ tăng lên gần 4ha, mỗi tháng thu hoạch khoảng 400kg. Bơ sáp Thái Dương hiện đã có mặt ở các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, đơn đặt hàng với giá cao gần gấp đôi so với thị trường từ 80.000 đến 90.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dù mới xuất hiện thời gian gần đây, sản phẩm bơ sáp Thái Dương đã được người tiêu dùng khen không tiếc lời. Theo các hệ thống siêu thị đã nhập sản phẩm của bơ sáp Thái Dương cho biết, do loại bơ này rất thơm, ngon, dẻo, béo ngậy, trái có hình thon rất dài nên được khách hàng rất ưa chuộng, sản phẩm nhập về đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Từ hiệu quả đó, nhiều hộ trồng bơ trên địa bàn xã Xà Bang đã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Thái Dương để sản xuất bơ sạch, nhằm tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân. Anh Dương nhẩm tính, 1ha trồng được 625 cây bơ, mỗi cây cho thu hoạch 50kg. Nếu tính giá thấp nhất bán tại vườn từ 20.000-25.000 đồng/kg, mỗi cây bơ thu từ 1-1,2 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí và công chăm sóc, nông dân lãi khoảng 500 triệu đồng/ha. Còn với giá bán từ 50.000-60.000 đồng/kg thì lãi còn tăng gấp đôi.
Hoàng Nhị