Diễn ra vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch, lễ hội Nghinh Ông Nam Hải (Bạc Liêu) là một trong những lễ hội Nghinh Ông lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là lễ hội văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng của ngư dân, cầu mong một mùa đánh bắt thuận lợi, bình an nơi biển cả, đồng thời tưởng nhớ loài cá voi - vị thần “Đại tướng quân Nam Hải”. Ảnh: Phạm Thanh Cường
Ngày 7/7/2020, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp), Ủy ban Chương trình và Quan hệ quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO khóa 209 đã thông qua quyết định công nhận Công viên Địa chất Đắk Nông là Công viên Địa chất toàn cầu. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng). Ảnh: Hưng Thịnh
Nằm ở độ cao trên 1.800 m so với mặt nước biển, Sa Pa (Lào Cai) được mệnh danh là vương quốc của bốn mùa hoa trái. Từ tháng 9 đến tháng 11 là khoảng thời gian đẹp nhất để đi du lịch Sa Pa, còn từ tháng 4 đến tháng 5, Sa Pa lại tràn ngập sắc hoa đua nở và những thửa ruộng bậc thang xanh mướt dưới ánh mặt trời. Sa Pa có nhiều thắng cảnh đẹp như đỉnh Phanxipang, thung lũng Mường Hoa, các bản Sa Pả, Tả Phìn, Cát Cát... làm mê hoặc du khách. Ảnh: DTMN
Vào dịp Rằm tháng 10 âm lịch hằng năm, đồng bào dân tộc Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long lại rộn ràng chuẩn bị Lễ cúng trăng (Oóc Om Bóc). Một nội dung không thể thiếu trong dịp lễ đó là đua ghe Ngo. Đua ghe Ngo thể hiện nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Khmer Nam Bộ, đồng thời là bộ môn thể thao dân tộc sôi nổi và hấp dẫn. Ảnh: Duy Khương
Tùy điều kiện kinh tế của buôn làng, cộng đồng người M’nông ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) hằng năm hoặc gián đoạn vài năm lại tổ chức Lễ cúng bến nước để cảm tạ thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Người M’nông quan niệm, cúng bến nước là để cầu cho nước trong, sạch, mang lại sức khỏe cho buôn làng. Ảnh: Tuấn Anh
Cồng chiêng được xem là linh hồn của buôn làng Tây Nguyên nên cũng có những con người sinh ra để làm nghề “bác sĩ” khám, chữa bệnh cho cồng chiêng mỗi khi chúng hư hỏng, lạc tông nhạc. Mặc dù còn rất ít những người biết chỉnh chiêng tại Gia Lai nhưng một khi đã đam mê, những người này lại rất “say nghề”. Trong ảnh: Anh Rơ Châm Van (ngồi giữa), dân tộc Jrai, sống tại làng Bồ 1, xã Ia Yok, huyện Ia Grai (Gia Lai) đam mê chỉnh chiêng từ bé. Ảnh: Hồng Điệp
DTMN
DTMN