Những đổi thay ở vùng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Những đổi thay ở vùng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Sau gần 13 năm bước vào công cuộc vào xây dựng nông thôn mới, trên các vùng thôn quê tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển mình mãnh mẽ, thay da đổi thịt, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao….

Những đổi thay ở vùng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 1Diện mạo huyện nông thôn mới Châu Đức ngày càng khang trang. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Chuyển mình mạnh mẽ

Là một huyện xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022, huyện Châu Đức đã thực sự đổi thay từ Chương trình này. Từ một huyện thuần nông, vùng sâu, vùng xa và nghèo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới rất thấp, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Đức đã có 15/15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%, trong số đó, đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để từng xã nông thôn hoàn thành đủ tiêu chí nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao huyện Châu Đức đã tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách và huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, Chương trình đã huy động được nguồn lực lớn cả trong và ngoài ngân sách, nhất là chương trình xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, với tổng mức thu nhập của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới là hơn 70 triệu đồng/người/năm. Đến nay, huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia.

Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Huyện Châu Đức đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả kinh tế, phù hợp với quy hoạch nông nghiệp của huyện như: hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, bắp, rau các loại. Các mô hình liên kết sản xuất, với hơn 700 ha được huyện Châu Đức thực hiện có hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Mô hình tập hợp bà con nông dân trồng thanh long tham gia hợp tác xã tại Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Xuân Trường, xã Sơn Bình là một ví dụ điển hình. Hiện hợp tác xã đã tập hợp được 17 thành viên, với gần 14 ha; trong đó, có 12 ha đang cho thu hoạch trái. Hiện nay, hợp tác xã cũng đã được cấp mã vùng trồng xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc để có đầu ra ổn định cho sản phẩm thanh long của các thành viên hợp tác xã.

Ông Nguyễn Tấn Lương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Xuân Trường, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, để tìm kiếm đầu ra ổn định và có thể xuất khẩu thanh long ra nước ngoài cho người trồng thanh long trên địa bàn xã, việc cấp thiết nhất là tập hợp bà con để thành lập ra hợp tác xã, có như vậy việc làm hồ sơ mã vùng trồng xuất khẩu dễ dàng hơn. Từ đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Những đổi thay ở vùng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 2Hệ thống đèn chiếu sáng, camera an ninh đã được chính quyền, người dân và doanh nghiệp huyện nông thôn mới Châu Đức cùng bắt tay xây dựng. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức chia sẻ, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Châu Đức đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân đều phải nhận biết được mục đích, ý nghĩa thực sự của xây dựng nông thôn mới. Vấn đề đặt ra cho huyện trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo là phải tạo ra những sản phẩm đặc trưng, những bản sắc văn hóa riêng phải được giữ gìn, phát triển các làng nghề, tạo ra những điểm nhấn về du lịch cộng đồng khi đến với huyện Châu Đức, phát huy được tiềm năng, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện, từ đó có thể nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Huyện Xuyên Mộc cũng là một huyện vùng sâu, vùng xa và là huyện nghèo nhất của tỉnh trong thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới. Thu nhập của người dân thời điểm 2010 mới chỉ khoảng 16,62 triệu đồng/người/năm. Thế nhưng, nhờ có Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp vùng đất này “trở mình” mạnh mẽ, nhà cửa khang trang, kinh tế phát triển. Đặc biệt là, thu nhập của người dân cao gấp nhiều lần so với trước đạt 69 triệu đồng/người/năm vào thời điểm cuối năm 2022.

Để đạt được điều này, các địa phương của huyện đã tích cực vận động nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng đến các loại cây, con có giá trị cao để nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình trồng các cây có giá trị như nhãn, thanh long… đã thay thế cho vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả, nuôi gia súc quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao hiện đại thay cho các mô hình nhỏ lẻ. Nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác cũng đã hình thành, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa bền vững, từ đó giúp thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Lan, ngụ xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc chia sẻ, bộ mặt nông thôn mới của huyện Xuyên Mộc đã ngày càng khang trang, hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, hệ thống đèn đường chiếu sáng ban đêm cũng được các cấp chính quyền địa phương đầu tư hoàn thiện, đời sống tinh thần của người dân nông thôn được quan tâm, thu nhập của người dân cũng đã nâng cao hơn.

Nói về định hướng cho xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc xác định, xây dựng nông thôn mới là mục tiêu có khởi đầu, nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, kế thừa những kết quả đã đạt được hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện sẽ rà soát lại tổng thể xây dựng nông thôn mới của huyện, trong giai đoạn tiếp theo phấn đấu những xã nông thôn mới trở thành nông thôn mới nâng cao, những xã nâng cao trở thành nông thôn mới kiểu mẫu. Việc xây dựng nông thôn mới sẽ đi vào thực chất, góp phần nâng cao đời sống nhân dân nông thôn ấm no, hạnh phúc hơn.

Những đổi thay ở vùng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ảnh 3Hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất của huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày một khang trang, hiện đại. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Nhiệm vụ xuyên suốt

Theo Văn Phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có 47/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành 1/18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với cấp huyện, 6/8 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. 2 địa phương còn lại đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Long Điền và Đất Đỏ đang tiếp tục thực hiện các tiêu chí, phấn đấu đạt huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

Đặc biệt, tính đến đầu tháng tháng 8/2023, tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng nông thôn mới là 67 triệu đồng/người/năm và 72 triệu đồng/người/năm đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện, tỉnh có 91 sản phẩm nông nghiệp của 45 chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 4,12%/năm; có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 80,85%), 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 29,78%).

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giảm còn từ 0,5% trở xuống, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp lên gấp 1,5 lần so với năm 2020; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng số lao động dưới 15%...

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, để đạt mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

“Việc triển khai các chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cũng sẽ được tỉnh chú trọng. Cùng với đó là, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; quản lý tài nguyên, nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường nông thôn cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh yêu cầu trong giai đoạn tiếp theo”, ông Vũ Ngọc Đăng thông tin thêm.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm